Những ngày này, làng Đình Thôn (phường Mỹ Đình, quận Từ Liêm, Hà Nội) nhộn nhịp hơn hẳn. Bởi cây bún cổ thụ đầu làng như một chiếc ô hoa khổng lồ đang thu hút người dân về chiêm ngưỡng. Ai nấy háo hức chụp ảnh với hoa bún, nghe chuyện cây xưa, đói thì vào ngay quán bún dưới gốc cây mà thưởng thức.
Quán bún nhờ cây bún
Không biết có phải xuất phát từ điển tích cây bún mà ẩm thực nơi đây nổi bật món ăn đặc trưng về bún. Quán bún to dưới cội cây với các loại bún dọc mùng, bún sườn, bún chả, bún riêu.
Ngoài ra, còn nhiều biển quảng cáo với mũi tên báo quán bún cách gốc cây vài trăm mét để thực khách biết mà tìm đến. Có quán bún mẹt vừa khai trương, biển báo giảm giá 10% rất hấp dẫn.
Khoảng 9h sáng, khách đã chen chân chụp ảnh với hoa bún. Một nhóm phụ nữ lớn tuổi mặc áo dài đủ màu xếp hàng, nâng tà áo nghiêng nghiêng chụp ảnh. Các cô đều đã về hưu, nhà mỗi người mỗi nơi nhưng hẹn nhau về. Rồi tốp nữ sinh viên Trường ĐH Thương Mại, các cặp đôi trai gái và người đi đường cũng dừng lại hoặc ngồi ngay trên yên xe chụp ảnh.
Cây bún tuyệt đẹp như một kiệt tác thiên nhiên. Mỗi mắt lá một chùm hoa, cánh nhiều lớp, mỏng mịn, màu vàng nhạt dần vào bên trong nhụy. Nhụy hoa như những sợi bún trắng ngần nên người dân gọi cây hoa bún. Hoa lá có thể dùng làm rau, vỏ làm thuốc trị sỏi thận, rối loạn đường tiết niệu và trị rắn cắn.
Ở Việt Nam, cây bún chủ yếu có ở Huế và Quảng Nam, ở phía Bắc rất hiếm, khách mê cây nói cả Hà Nội chỉ có vài cây. Cây ở Đình Thôn này và một cây bé hơn tại quận Hà Đông...
Theo các cụ cao niên ở Đình Thôn, cây bún có tuổi đời khoảng 300 năm. Từ thế hệ trước, cây đã cao to trăm tuổi, các cụ thời nhỏ chăn trâu đã leo lên cây chơi. Cây bún tỏa ra các nhánh rất đẹp, thân màu nâu đen rắn chắc. Tầm cao hơn tòa nhà ba tầng một chút, tán trải thảm vàng trên nóc một quán ăn và các tòa nhà bên cạnh được hưởng view có một không hai.
Tôi chọn quán bún phía sau cây, có sân rộng để vừa ăn vừa... ngắm hoa. Chủ quán bún mẹt là một nhóm người trẻ. Quán mở cửa chưa được một tháng, lý do mở cũng vì lấy cảm hứng từ cây bún đang mùa hoa làm thực khách mê mẩn.
"Từ ngày mở, khách nào tới ăn cũng chụp ảnh hoa bún. Từ học sinh, sinh viên tới các cô, các bà đều chọn chỗ ngồi hướng về cây bún. Trước khi ăn phải có tấm ảnh kỷ niệm, phải cho Facebook "ăn" trước. Nhờ cây bún, tôi mong cả năm làm ăn may mắn như lúc này", người chủ quán hào hứng kể.
Nhiếp ảnh gia săn hoa
Ăn bún xong, nhiều người lại kéo nhau ra gốc bún uống nước chè ngắm hoa tiếp. Chị hàng nước Nguyễn Thị Yến kêu bận cả tháng nay nhưng không phải bận bán nước mà... bận giúp khách chụp ảnh.
"Cả tháng nay, người các nơi đến đây chụp ảnh đông lắm, từ sáng tới tối. Buổi chiều còn đông nữa. Khách thường xuyên nhờ tôi chụp ảnh, có khi chụp còn nhiều hơn bán nước đấy", chị Yến vui cười.
Cây bún ra hoa khoảng hai tháng, từ tháng 3 tới hết tháng 4 thì hoa bắt đầu tàn khi mưa xuống. Ngồi dưới gốc bún nhìn lên, ong bay lượn, chim nhảy nhót líu lo trên các nhánh cây. Một nhiếp ảnh gia mải miết săn ảnh hoa bún, anh hết đứng xa rồi lại gần để chọn góc ảnh đẹp.
"Nhiếp ảnh gia đó đến đây từ sáng sớm vẫn chưa thấy nghỉ. Còn một anh nhiếp ảnh nữa năm nào cũng ghé qua, trước khi tới bao giờ cũng gọi trước cho tôi hỏi hoa bún đã tới mùa hoa chưa. Báo hoa nở rộ rồi là anh ấy chạy xe tới ngay", chị Yến kể.
Cây bún đối với chị hàng nước có nhiều kỷ niệm, vì gia đình chị chỉ cách cội cây 20m. Ông nội chị trước khi mất, thọ 108 tuổi, từng kể hồi cụ còn bé đã thấy cây bún cao lớn tỏa bóng một góc trời như vậy rồi.
Một thời người dân làng bún Phú Đô gánh bún đi bán khắp Hà Nội, trên đường trở về nghỉ trưa thường tập trung ở gốc cây này. Sợi dây liên kết văn hóa xưa nay, cây bún - người bán bún - quán bún qua thời gian như thế.
Tuy nhiên, theo chị Yến, cây bún từng trải qua nhiều lần "thập tử nhất sinh" vì nằm trong khu vực đắc địa quy hoạch của một dự án xây dựng. Khi không được dân làng và trưởng thôn đồng ý, họ đã tìm cách phá hoại cây.
"Tôi vẫn còn nhớ khi đó đang ngủ lúc nửa đêm thì nghe tiếng cưa máy ồn ào. Người dân chạy ra kêu la người ta cưa cây thì cây đã bị cưa 1/3 rồi. May mà người dân ngăn chặn kịp, nhờ người bên nông nghiệp về chữa trị mới cứu được cây. Lần khác, cây lại bị đổ xăng đốt gốc. Cây bún và cây phượng gần đó đều bị đốt. Vụ đó cây phượng không sống được, rất may cây bún vẫn cứu được. Sau những lần gặp nạn không chết ấy, cây bún được người dân quây rào sắt và lập bàn thờ cúng thần cây", chị Yến kể.
"Linh hồn" của làng
Cây bún cổ thụ mang tới vẻ đẹp hiếm có và niềm tự hào của người dân trong làng. Từ cụ già cho tới thanh niên Đình Thôn, mỗi mùa hoa bún nở lại rủ nhau ra uống nước chè, ngắm du khách tới chụp ảnh. Các cụ tập dưỡng sinh, đi lễ chùa cũng hẹn nhau ra cây bún vì cây ở cạnh nhà văn hóa và chùa làng.
"Khoảng 10 năm trước, khi dự án xây dựng muốn phá bỏ cây bún, dân làng kịch liệt phản đối rồi thay nhau bảo vệ. Tôi cũng là người được cử trực cây, hội các cụ và hội phụ nữ trong thôn thay nhau trực. Giờ thì không còn ai dám phá hoại cây nữa, cổ thụ như là linh hồn của làng rồi nên ai cũng có trách nhiệm bảo vệ" - ông Bùi Văn Thúy, 67 tuổi, hội trưởng Hội Người cao tuổi số 8 Đình Thôn, chia sẻ.
Vợ chồng ông Thúy thi nhau kể chuyện cây bún từ khi ông bà còn trẻ, nhánh cây và tán lá còn to gấp đôi bây giờ. Cây bún lớn lên giữa cánh đồng làng, gần khu nghĩa địa. Thời chiến tranh cây không bị bom đạn nhưng bị sét đánh thường xuyên vì "có lẽ chính quyền mắc loa phát thanh thông báo tin tức". Ông Thúy hy vọng thế hệ sau của làng cũng giữ gìn được cây bún như thế hệ của ông, vì đó là giữ gìn nét đẹp văn hóa, tinh thần của người Đình Thôn.
Thường ngày, các "bác sĩ" sẽ đi một vòng "khám bệnh" dưới đất và trên ngọn cây để tìm các vấn đề gây hại cho cây xanh.
Xem thêm: mth.13802740130503202-iout-003-nub-aoh-ioc-ioud-nub-na/nv.ertiout