Áp lực từ kinh tế thế giới
Tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất liên tiếp. Nhìn toàn cảnh bức tranh lãi suất Việt Nam, có thể thấy nước ta có xu hướng đi ngược lại với các thị trường phát triển trên thế giới.
Cụ thể, các ngân hàng trung ương như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có xu hướng liên tiếp tăng lãi suất điều hành với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Đáng chú ý, thời gian qua, biến cố sụp đổ đến từ Ngân hàng SVB (Mỹ) hay Credit Suisse (châu Âu)... đã khiến các ngân hàng trung ương trên có sự cân nhắc về quyết định có tiếp tục tăng lãi suất hay điều chỉnh chính sách bớt “diều hâu” hơn. Nhưng quyết định cuối cùng của họ vẫn là tăng lãi suất , với mục tiêu tiên quyết vẫn là kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, mức độ tăng đã có sự tiết chế. Lý do là bởi nếu tăng lãi suất sẽ tác động thẳng đến chất lượng tài sản, đặc biệt là các tài sản có lợi tức cố định. Ngân hàng nắm giữ các khoản tài sản trên nhiều nhất nên đây sẽ là chủ thể chịu ảnh hưởng đầu tiên, kéo theo đó là người gửi tiền.
Thứ hai, nếu tiếp tục tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thực chất các chuyên gia kinh tế đã nhìn nhận về sự suy giảm kinh tế, không chỉ ở Mỹ mà còn lan rộng đến toàn cầu.
Mặt khác, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 2 lần giảm lãi suất. Trong đó, lần đầu cơ quan quản lý tiền tệ đã điều chỉnh giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đến lần thứ hai, Nhà điều hành mới ban hành một loạt quyết định giảm các lãi suất còn lại, đặc biệt là giảm 0,5% lãi suất tái cấp vốn và 1% trần lãi suất huy động.
Thực chất, 2 lần công bố giảm lãi suất trên chỉ trong vòng một thời điểm, song việc chia thành từng đợt nhỏ để tạo tâm lý tốt cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, khôi phục lại niềm tin đối với thị trường vốn. Đó là mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước.
Quay trở lại thời điểm quý IV/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng lãi suất, tăng khá gấp trong bối cảnh Fed tăng lãi suất liên tục, lạm phát tăng cao, chênh lệch lãi suất khiến tỉ giá đồng VND xuống giá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với thế mạnh từ nguồn ngoại tệ dồi dào và việc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể về ngoại tệ giúp sức ép về tỉ giá đã giảm đi trông thấy. Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam hiện đang được khống chế tốt, hướng tới kế hoạch năm 2023 ở mức 4,5%.
Những yếu tố trên đã giúp Việt Nam có linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc sử dụng công cụ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước hướng tới việc sử dụng lãi suất để hỗ trợ cho việc duy trì tăng trưởng kinh tế, tránh sự sụt giảm cho năm 2023 và dần kích thích dòng vốn quay trở lại.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất chung trên thế giới vẫn cao, thì dù đỉnh lãi suất trong nước có dấu hiệu đi xuống thì việc thắt chặt tiền tệ trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Tức là, chính sách trong nước nới lỏng hơn, nhưng áp lực từ quốc tế vẫn có tác động không nhỏ.
Tại một diễn biến khác, kết quả kinh doanh quý I/2023 vừa qua của các doanh nghiệp đã phản ánh kết quả của 2 lần tăng lãi suất từ đầu quý IV/2022 với nhiều chỉ số suy giảm rõ rệt, báo hiệu một nền kinh tế bị kìm hãm.
Vấn đề lớn nhất là có đơn hàng
Có thể khẳng định, lãi suất giảm là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh lãi suất, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không có đơn hàng và không giữ được sự ổn định của việc làm. Lý do là bởi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, một quốc gia xuất siêu, nên suy giảm kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Dẫn đến trường hợp nhiều doanh nghiệp từ tháng 10/2022 đến nay không có đơn hàng.
Xu hướng lãi suất sắp tới sẽ tiếp tục giảm, nhưng doanh nghiệp chỉ vay vốn khi có nhu cầu tiêu thụ của thị trường có đầu ra. Mà hiện nay kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng giảm. Vậy nên, để khắc phục tình trạng này phải thực hiện các chính sách tác động trực tiếp đến từ chi tiêu của Chính phủ.
Trước bối cảnh đó, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xây dựng kịch bản kế hoạch kinh doanh và chiến lược tài chính tốt. Theo đó, doanh nghiệp cần đặt ra một kịch bản kinh doanh tệ nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường tài chính khó khăn.
Bởi chỉ như vậy thì khi gặp tình trạng xấu nhất doanh nghiệp vẫn có thể vượt qua. Từ kịch bản trên doanh nghiệp sẽ có cái nhìn thực tế về thị trường để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh cũng như ổn định dòng tiền.
Ngoài ra, với mục tiêu dài hạn, doanh nghiệp nên nhìn nhận thời điểm hiện nay như một cơ hội để tập trung vào khâu nghiên cứu, tìm ra các sản phẩm đặc trưng và khai phá những thị trường mới.
Đây là thời cơ dễ nắm bắt bởi nguồn lao động dồi dào và quan trọng là các đối thủ đang trên đà suy yếu. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp tận dụng được cơ hội trên, ngay khi nền kinh tế phục hồi sẽ đầy đủ tiềm lực để bứt phá.
TS. Phan Lê Thành Long – Nhà sáng lập và CEO của AFA Group