Càng béo giấc ngủ càng nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện 108, cho biết ngưng thở khi ngủ là một tình trạng mà người bệnh ngừng thở trong vài giây đến vài phút khi ngủ, lặp đi lặp lại khi ngủ do tắc nghẽn đường dẫn khí hay do tổn thương thần kinh trung ương.
Không đơn giản như ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Ngưng thở khi ngủ thường xảy ra khi cơ vòm họng bị thu lại trong khi người bệnh đang ngủ, gây ra sự cản trở của luồng khí và gây khó thở. Chứng bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở nam giới trung niên.
Những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to,…), uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc an thần hoặc trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.
Trả lời câu hỏi, tại sao người béo phì lại hay bị chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở người béo phì xảy ra rất phổ biến ở những người béo phì mức độ trầm trọng với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 40kg/m2.
Người béo phì có nguy cơ cao hơn bị ngừng thở khi ngủ do một số lý do sau:
Chất béo xung quanh cổ và vòm họng: Người béo phì thường có lượng chất béo nhiều hơn ở cổ và vòm họng, gây ra sự cản trở cho luồng khí, làm cho cơ thể khó thở hơn khi ngủ.
Đường kính khí quản thu hẹp: Người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị đường kính khí quản thu hẹp, điều này làm cho việc hít thở trở nên khó khăn.
- Tham khảo thêm
Khối lượng cơ thể tăng: Người béo phì có khối lượng cơ thể lớn hơn, làm tăng áp lực lên hệ hô hấp và gây ra nguy cơ ngừng thở.
Ngừng thở khi ngủ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp và suy giảm chức năng thận.
Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ
• Ngáy và ngủ ngày nhiều: điển hình
• Thức giấc nhiều về đêm
• Ngưng thở
• Ngạt thở về đêm
• Tiểu đêm
• Đái dầm
• Thức dậy nhưng không cảm thấy khỏe
• Nhức đầu buổi sáng
• Giảm trí nhớ và giảm sự tập trung
• Kích thích và trầm cảm, bất lực.
Người bệnh mắc chứng ngừng thở khi ngủ thường không có giấc ngủ ngon. Vì vậy, người bệnh thường mệt mỏi và không tỉnh táo khi làm việc.
Người bệnh rất dễ gặp phải tai nạn giao thông khi có cảm giác buồn ngủ khi lái xe.
Điều trị sớm để tránh thương vong
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng lao động và chất lượng sống của người bệnh, đặc biệt là người béo phì. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não…, từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.
Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.
Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khi thừa cân hoặc béo phì và có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh ngưng thở khi ngủ, bạn cần đi khám bệnh để được bác sĩ tư vấn cách chẩn đoán và điều trị bệnh.
Đo đa ký hô hấp hoặc đo đa ký giấc ngủ là hai xét nghiệm cần thiết giúp bạn phát hiện căn bệnh này.
Ngoài hướng dẫn điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ý thức và hành động của người bệnh rất quan trọng để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ngưng thở khi ngủ, để những chỉ dẫn điều trị được đạt kết quả tốt nhất. Bệnh nhân có thể thực hiện những việc làm sau đây để cải thiện:
• Đổi tư thế ngủ: có thể ngăn ngừa tình trạng ngưng thở khi ngủ bằng cách nằm nghiêng về một bên, vì tư thế nằm ngửa không tốt đối với những người mắc hội chứng này, gây nên hiện tượng ngáy và có thể tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, tư thế nằm ngửa làm hàm và lưỡi khép lại, làm chặn đứng đường thở.
• Giảm cân bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và tập luyện phù hợp.
• Sử dụng biện pháp phun nước muối vào nong mũi để mở đường mũi, giúp thở dễ dàng hơn.
• Cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ bằng cách cải thiện lối sống, hạn chế sử dụng hoặc ngừng sử dụng hẳn các chất kích thích, như rượu bia, các chất gây nghiện, thuốc lá, chất ma túy.
• Sử dụng các thiết bị nha khoa: có thể sử dụng thiết bị nha khoa trong miệng khi ngủ với tác dụng đưa hàm về phía trước giúp đường thở được mở rộng.
Với những bệnh nhân BMI>35, việc can thiệp phẫu thuật điều trị béo phì để cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ là cần thiết.
Song, việc can thiệp phẫu thuật điều trị béo phì phải hết sức thận trọng vì biến chứng hô hấp có thể xảy ra trong và sau khi mổ.
"Việc điều trị có thể phải qua nhiều giai đoạn nhằm giảm bớt mức độ trầm trọng của béo phì. Sau khi đã cải thiện cân nặng thì hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng được cải thiện dần dần" - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo.
TTO - Thời gian qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) liên tục tiếp nhận các trường hợp ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện, trong đó nhiều người còn trẻ.