Điều này không sai, nhưng chắc chắn đó không phải là đặc tính riêng có của người Việt Nam mà là đặc tính nhân loại, dân tộc nào tồn tại được trước thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh, dịch bệnh thì đều phải như thế, cho dù trong những giai đoạn lịch sử nào đó những đặc tính đó của người Việt có nổi trội hơn.
Trong khi đó, có một đặc tính mà rất nhiều học giả quốc tế thừa nhận ăn sâu trong tiềm thức của người Việt và mang một sắc thái rất riêng: đó là sự khoan dung, độ lượng, hòa hiếu, không thù hằn quá lâu, luôn tìm mọi cơ hội khép lại những oán thù ở tầm quốc gia cũng như cá nhân, dòng tộc.
Lịch sử ghi nhận cha ông ta không phải một lần mà nhiều lần khoan dung, độ lượng với kẻ thù trước đó còn giày xéo đất nước. Thay vì trả thù, Nguyễn Trãi đã khoản đãi, tha bổng cho 10 vạn quân Minh về nước với mong muốn hai bên không thù hận, giữ mối bang giao muôn đời.
Truyền thống ấy được nuôi dưỡng và phát triển một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố "muốn làm bạn với tất cả các nước" và "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" với Chính phủ và nhân dân Mỹ.
Tư tưởng nhân văn đó không phải chỉ trên tuyên ngôn mà thực sự lan tỏa trong mỗi người dân Việt Nam. Chắc không có nơi nào mà những người mẹ bị mất con lại đối đãi tử tế, thân thiện với những người lính tham gia trực tiếp hay gián tiếp bắn vào con cái mình.
Frederic Whitehurst, người cựu binh Mỹ, từng gìn giữ trong suốt 35 năm cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đã được bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng ba người em gái của chị là Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm và Đặng Kim Trâm coi như người thân trong gia đình.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã từng bắn rơi bảy máy bay Mỹ, nhưng ông già Nam Bộ ấy vẫn mời những người từng đối đầu nhau trên bầu trời đến nhà mình ở Sa Đéc. Họ cùng nhau đi bắt cá, hái bông súng, cụng ly với nhau như chưa bao giờ là cựu thù.
Một vài chuyện như thế để thấy người Việt Nam luôn lấy hòa hiếu làm trọng, dù có khúc mắc thế nào cũng mong "chín bỏ làm mười", "một điều nhịn, chín điều lành", không bao giờ thâm thù ai đến mức "10 năm trả thù chưa muộn".
Đất Sài Gòn này cũng có một truyền thống hào sảng "tứ hải giai huynh đệ", ai cũng là anh em, cho dù bạn có là ai, màu da nào, tôn giáo nào, giàu hay nghèo đều được chào đón miễn là đến đây với tinh thần bằng hữu và không mang sự thù hận.
"Khoan dung, thân thiện, cởi mở" chính là vốn quý văn hóa mà người Việt nói chung và người dân TP.HCM nói riêng mang từ quá khứ tới hiện tại và chuyển tải đến tương lai như một ADN văn hóa trường tồn. Trên thế giới không có mấy dân tộc dùng từ "đồng bào" để gọi một cộng đồng đa dạng như người Việt Nam.
Chúng ta đều là con cháu từ trong một bào thai, vậy hà cớ gì mà phải giữ mãi những ưu tư, những phiền muộn rồi biến thành thâm thù. Người dân Việt Nam đã cởi bỏ được mọi thâm thù với người Mỹ, Pháp, Nhật... thì sao lại không giũ bỏ được với anh em trong nhà? Nên như thế cho mãi mãi...
Ngay sau khi đến London, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Xem thêm: mth.69405628060503202-teiv-iougn-auc-gneir-hnit-cad-tom-oc/nv.ertiout