Một buổi sáng, chiếc tàu cá nhỏ neo tròng trành trên cửa biển cạnh xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trên tàu, một thanh niên cao to liên tục luồn dây xuống mặt nước tiếp sức cho người đang ngụp lặn phía dưới.
Sợi ống hơi được đánh dấu từng đoạn theo chiều dài 2m một dấu sơn. Khi dây chạm tới con số 18, ống hơi đột ngột dừng lại, bọt khí ùn lên ùng ục như đáy biển có động.
"Dàn thiết bị chìm ở độ sâu lớn, có nhiều khoang tụ khí nằm sâu, nên anh em phải luồn dây hơi xuống xử lý. Khi đang hàn cắt sắt thì một khoang kín nổ tung như quả bom, tôi và hai anh em đứng gần đó bị hất văng nhưng mạng còn lớn" - ông Nguyễn Chín, người được chính các ngư dân ví von như rái cá, kể.
Từ dân núi thành rái cá miền biển
Vị trí nơi chiếc tàu cá mà cha con ông Nguyễn Chín (52 tuổi, xã Tam Hải, Núi Thành) đang neo đậu là nơi một con tàu cũ bị đắm nhưng chưa xác định được vị trí. Tranh thủ ngày biển êm, ông Chín gọi cậu con rể là Vũ Minh Luật (22 tuổi) dong thuyền ra để xác định vị trí con tàu đắm, tìm kiếm những thiết bị kim loại để trục vớt lên.
Sau khoảng 30 phút quần đảo dưới đáy, ông Chín trồi lên với toàn bộ cơ thể trùm kín đồ lặn giữ thân nhiệt. Nhưng chuyện đi biển tìm kiếm tàu đắm dựa trên một vài thông tin ít ỏi từ ngư dân cung cấp chỉ là công việc phụ nhằm tranh thủ lúc nhàn rỗi của cha con thợ lặn ở vùng biển Tam Hải này.
Ông Chín nổi tiếng và được biết đến trong giới lặn mò tìm đáy biển không phải bởi mấy công việc này mà đều là những "dự án" lớn hơn: mò lặn dò tìm vị trí tàu lủng, trục vớt tàu đắm, khảo sát và đo vẽ phục vụ khảo sát xây hạ tầng cảng biển.
Ở Quảng Nam có hàng chục làng biển trăm năm, nhưng số người làm nghề lặn biển trục vớt tàu đắm và xử lý sự cố không nhiều. Đạt tới độ "thượng thừa" và được khắp nơi liên hệ nhờ để xử lý các sự cố lớn như ông Chín thì lại càng hiếm. Người đi biển trong vùng gọi ông Nguyễn Chín là "kỳ nhân không phổi".
Khi được hỏi biệt danh này, ông Chín cười vang: "Dân biển mà nói chuyện lặn thì rất bình thường, mình làm nghề này riết rồi rèn luyện thành quen. Tới giờ nhìn mặt nước là tui đoán được dưới đáy trong hay đục, nông hay sâu, nhìn đám mây để biết có hướng mũi tàu ra vùng nước sâu để lặn hay không".
Chúng tôi thật bất ngờ khi đứng trước một "kỳ nhân sống dưới nước nhiều hơn trên cạn" lại không phải là dân xuất thân từ biển. Ông Chín kể quê gốc vùng trung du đền tháp Mỹ Sơn, chỉ thực sự biết đến vị mặn của nước biển khi lấy vợ về làm rể xã đảo Tam Hải.
Ngày mới về quê vợ, ông bối rối khi vợ nói phải học nghề đi biển để có việc nuôi gia đình.
"Tui lên thuyền theo mấy anh em làng ra lặn tìm tôm hùm, thấy họ cầm ống hơi rồi ngụp xuống nước ngon lành còn mình thì đứng trên bờ. Tâm trạng háo hức vô cùng, nhưng ngồi trên tàu một chặp thì thấy chao đảo, cơm nước trong bụng trào ra ngoài. Say sóng vật vã tới mấy ngày", ông Chín cười kể.
Ở vùng biển Tam Hải, đàn ông như ông Chín không đi biển thì chẳng biết làm gì để sống. Ông phải tìm mọi cách để quen với sóng nước, những chuyến đi xa bờ diễn ra ngày một dày hơn.
Sau một thời gian, ông nhận ra rằng có một nghề mà gần như rất ít người làm trong khi nhu cầu lại rất lớn: lặn biển trục vớt tàu đắm, xử lý sự cố tàu thuyền và hạ tầng cầu cảng.
Thế là năm 1997, chàng ngư dân Nguyễn Chín rời làng biển đi vào Nha Trang học lặn chuyên nghiệp để tìm hướng đi mới. Ông cầm tấm bằng nghiệp vụ rồi về lấy khoản tiền dành dụm mua một máy hơi, một con thuyền nhỏ và đồ nghề lặn.
"Phi vụ" đầu tiên mà kỳ nhân này nhận là xử lý sự cố con tàu cá 700CV của ngư dân Tam Giang. Và sự chuyên nghiệp của ông khiến các lão ngư dày dặn sóng nước phải ngạc nhiên.
Những chuyến lặn hiểm nguy
Ông Chín đưa chúng tôi vào căn nhà làm kho đựng thiết bị đồ nghề của mình. Trong số hàng chục loại máy thì có nhiều thiết bị do ông tự chế ra. Ông cũng không còn là thợ lặn đơn lẻ nữa mà đã thành ông chủ của đội thợ dày dạn sóng nước với năm thành viên gồm ông, người con rể Vũ Minh Luật, con trai Nguyễn Văn Phụng và hai người bà con.
Mấy chục năm lùng sục đáy biển, dấu tay ông đã chạm tới hết các vùng biển từ Cái Mép, Chu Lai, TP.HCM ra tới Cửa Lò. Nơi nào có "ca khó" đều hay nhờ tới ông.
Năm 2013, vụ chìm tàu cần cẩu của một doanh nghiệp xảy ra ở Dung Quất (Quảng Ngãi) khiến khối tài sản có nguy cơ bỏ lại đáy biển sâu 30m. Sau nhiều nỗ lực bất thành, chủ doanh nghiệp phải cầu cứu "kỳ nhân" xứ Quảng Nguyễn Chín. Đó cũng là chuyến lặn biển bất trắc nhất mà ông từng trải qua.
"Dàn thiết bị nằm ở độ sâu lớn, có rất nhiều khoang tụ khí nằm sâu nên anh em tôi phải luồn dây hơi xuống xử lý. Khi đang hàn cắt sắt thì một khoang kín nổ tung như quả bom, tôi và hai anh em đứng gần đó bị hất văng nhưng mạng còn lớn", ông nhớ lại.
Ông kể thêm gần như vùng biển miền Trung ông đều đã từng lặn trục vớt tàu và khảo sát xây cầu cảng. Ông còn được nhiều đơn vị thuê quản lý các trang thiết bị nổi, dàn phao quân sự, phao dẫn luồng... Tùy mức độ công việc, mỗi lần xử lý sự cố, ông và anh em thợ được trả công ít thì vài triệu, lớn thì lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong đời lặn xử lý sự cố tàu thuyền của mình, ông Chín nói có hai lần tưởng chừng như ông và anh em phải bỏ cuộc vì mức độ phức tạp quá khả năng. Đó là lần trục vớt con tàu nạo luồng tải trọng 1.500 tấn chìm ngay cửa biển Tam Quang năm 2019. Vị trí chìm ngay luồng giao thông huyết mạch, độ sâu hàng chục mét.
Để đưa được tàu nổi lên, ông Chín phải cùng anh em ngụp lặn từ sáng tới tối trong hơn 3 tuần nhưng con tàu vẫn không nhúc nhích. Gần ngày cuối, cảng vụ thông báo thời gian đã hết, nếu không cho tàu nổi lên được thì cảng sẽ tắc, tàu cá không vào luồng được.
"Tình thế lúc đó không còn đường lùi, anh em cũng đã kiệt sức. Chúng tôi nghĩ đủ cách rồi quyết định lấy "thân tàu đắm làm chính con tàu nổi". Hàng chục túi khí cỡ lớn được dìu xuống rồi cố định lại trong các khoang. Xỏ tới đâu chúng tôi nén hơi bơm tới đó, vừa làm vừa gia cố để không cho túi tràn nổ ra bên ngoài. Mấy ngày sau thì tàu bắt đầu dịch nổi lên", ông Chín nhớ lại.
Hiện đại và chuyên nghiệp
Để đáp ứng công việc, ngoài trang thiết bị chuyên dùng như máy hơi, máy hút và hàn nước, ông còn đi học quay phim, chụp ảnh rồi sắm thiết bị chuyên dụng quay chụp dưới nước. Bất cứ một con tàu đắm hoặc tàu gặp sự cố nào cũng buộc phải huy động thợ lặn dò tìm nơi phát sinh vấn đề. Để lên phương án xử lý, đội thợ lặn phải có hình ảnh quay lại hiện trạng chính xác từng điểm rồi bàn bạc với chủ sở hữu.
Cần sức khỏe cực tốt
Một lần khác, con tàu cá cỡ lớn của ngư dân Thăng Bình khi vào neo ở cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) thì bị chìm ở Mũi Nghê có độ sâu hàng chục mét, khoang tàu lại gần như vỡ làm đôi. Để tiếp cận và cứu hộ, ông phải huy động bảy thợ giỏi nhất, mang bình dưỡng khí cùng máy hàn nước, máy cắt đục xuống độ sâu áp suất muốn căng vỡ mạch máu.
"Nếu không lì đòn, không kinh nghiệm và không rèn luyện sức khỏe cực tốt thì không thể xuống được các độ sâu đó. Chúng tôi làm ròng rã nguyên một tuần trời thì tàu mới nổi lên rồi dìu được vào bờ. Cho tới khi bàn giao tàu, thậm chí chủ tàu không tin là có thể trục vớt được", ông Chín nói.
TTO - Đến Huế mà hỏi nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá sẽ nhận được ngay câu trả lời: 'Ông đó lạ lắm, một người rất đặc biệt'. 'Người lạ lắm' nhưng sách của ông lại được lưu hành ở 135 thư viện lớn trên thế giới.
Xem thêm: mth.53072000060503202-uas-neib-yad-ioud-nahn-yk/nv.ertiout