Mỹ đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển dân cư lớn về các vùng ngoại ô khi dịch COVID-19 chưa được kiểm soát. Xu hướng này khiến giá thuê nhà tại các thành phố có mức sống cao như New York, San Francisco hay Los Angeles sụt giảm mạnh, trong khi giá nhà tại khu ngoại ô lại tăng cao đột biến. Điều này đang tạo ra nhiều sự xáo trộn trên thị trường bất động sản.
Hiện giá thuê các căn hộ tại thành phố San Francisco đang lao dốc tới 31% so với tháng 9/2019. Xu hướng làm việc từ xa, cùng làn sóng thất nghiệp kỷ lục trong lĩnh vực du lịch, giải trí và nhà hàng - vốn từng là huyết mạch của thành phố, đã buộc những người dân chuyển đến những nơi có chi phí sống thấp hơn, thuê những căn hộ lớn hơn với mức giá mà họ sẵn sàng mở hầu bao để có thể chi trả.
"Tôi muốn sống trong những căn nhà rộng hơn, gần gũi với thiên nhiên và có thêm không gian ngoài trời. Vậy nên, gia đình tôi đã quyết định rời khỏi thành phố", chị Lisa Choi - người dân Mỹ nói.
Giá thuê nhà tại các thành phố đắt đỏ của Mỹ giảm mạnh. Ảnh minh họa.
Càng nhiều sự dịch chuyển, các căn hộ tại Mỹ càng mất giá. Theo dữ liệu từ trang thuê nhà trực tuyến Zumper, giá thuê đối với căn hộ 1 phòng ngủ tại khu vực tàu điện ngầm lớn đã giảm 9,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.
Nỗi buồn của những thành phố đắt đỏ như San Francisco, lại là niềm vui của những bất động sản xa trung tâm thành phố như Riverside và Sacramento. Việc có tới 12.000 người chấp nhận rời khỏi New York đã đẩy giá cho thuê tại đây tăng tới 16%.
Anh David Stark - môi giới nhà đất cho biết: "Giá cho thuê tại vùng ngoại ô không có bất kỳ sự sụt giảm nào, vì nhu cầu về nhà ở đang rất cao".
Giá nhà cho thuê tại vùng ngoại ô không có bất kỳ sự sụt giảm nào. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, cuộc dịch chuyển quy mô lớn lại khiến các công ty bất động sản tại các khu vực ngoại ô chưa kịp mừng với viễn cảnh sáng lạn, đã phải đối mặt với thực tế khó khi số lượng nhà ở không đủ để thoả mãn nhu cầu đi thuê của người thành phố.
"Chúng tôi có hàng thập kỷ tạo ra những việc làm mới, nhưng không có nhiều năm để xây dựng thêm những cơ hội nhà ở mới. Chúng tôi vẫn đang phải giải quyết vấn đề này", anh David Stark nói.
Nền kinh tế số một thế giới sụt giảm tới 33% GDP trong quý II/2020 chủ yếu là do những ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ phải chịu đòn giáng nặng nề của dịch COVID-19. Tuy nhiên, những thị trường trước đây được đánh giá là chậm và kém hấp dẫn, nay lại là món hời cho các nhà đầu tư rót vốn và trở thành xu hướng sống mới cho những người lao động ở xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.1243538012010202-hnam-cod-oal-ym-iat-ahn-euht-aig/et-hnik/nv.vtv