Với nhiều năm nghiên cứu và triển khai những hoạt động giáo dục, TS Giản Tư Trung - viện trưởng Viện Giáo Dục IRED - cho rằng một trong những thiệt thòi cho các thầy cô giáo Việt Nam hiện nay là số đầu sách về sư phạm dành riêng cho giáo viên để phát triển nghề nghiệp còn quá hiếm hoi.
Tiếp sau quyển sách Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh luôn "cháy hàng" trên nhiều nhà sách với 12 lần tái bản, mới đây ông cho ra mắt tác phẩm Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi với hy vọng có thể tiếp sức cho sự học của các thầy cô giáo ở mọi miền đất nước.
Có thể điều chỉnh "cánh buồm"
* Tiếp sức cho các nhà giáo nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Có lẽ hầu hết những ai tâm huyết với giáo dục đều đồng tình rằng giáo viên có vai trò tối quan trọng đối với chất lượng của giáo dục, bởi họ chính là những người trực tiếp đào tạo và phát triển học sinh.
Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu giáo viên, nhưng số đầu sách hướng đến nâng cao năng lực sư phạm cho người thầy còn khá nghèo nàn. Nếu đem so với số lượng sách về phát triển lãnh đạo dành cho giới doanh nhân - vốn tràn ngập ở hầu hết mọi nhà sách - thì càng thấy được số lượng sách phát triển nghề nghiệp dành riêng cho giáo giới khan hiếm đến mức nào.
Những thầy cô tâm huyết với nghề thường tìm đến những buổi hội thảo để nghe các chuyên gia chia sẻ về sư phạm và về giáo dục, dù vậy phạm vi tác động vẫn còn tương đối hạn chế.
Ngược lại, một quyển sách có thể đến với nhiều giáo viên hơn, tiếp sức được cho sự học của nhiều người thầy hơn. Khi sự học của thầy cô giáo thay đổi sẽ tác động đến nhiều thế hệ học sinh trong tương lai.
* Vì sao sự thay đổi lại bắt đầu từ sự học của thầy cô giáo, mà không phải là "sự dạy", thưa ông?
- Người thầy sẽ không dạy tốt hơn, giỏi hơn nếu bản thân không có ý thức liên tục "nâng cấp" chính mình. Để làm được điều này, người thầy không có cách nào khác ngoài việc cần phát triển sự học cho mình. Vậy sự học của người thầy nên xuất phát từ đâu?
Theo tôi, trước hết cần hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về nghề dạy học. Đâu là sứ mệnh của giáo dục và của nghề giáo? Đâu là những triết lý giáo dục, lý thuyết học tập, phương pháp sư phạm tiến bộ? Chính sách giáo dục và sư phạm của các quốc gia thế nào? Giáo dục Việt Nam hiện ra sao, đâu là những vấn đề đang tồn tại? Và trong bối cảnh giáo dục ấy, người thầy có thể làm gì?...
Tôi tin rằng đó là những điều thiết yếu mà một người theo đuổi nghề dạy học cần biết để làm nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp theo hướng tiến bộ. Cuối cùng là việc áp dụng những điều trong các sách vở ấy ra sao để trở nên "tốt hơn, giỏi hơn".
Mọi sự thay đổi sẽ xuất phát từ chính ta, từ những điều ta học được. Như ngạn ngữ có câu: Ta không thay đổi được hướng gió, nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm. Trong giáo dục, cánh buồm không chỉ nằm trong tay Nhà nước hay nhà trường mà còn nằm cả trong tay các nhà giáo, dù vô cùng khó khăn.
Tin vào thực học
* Nội dung quyển sách được xây dựng như thế nào để truyền tải được hết những mong muốn như ông đề cập ở trên, thưa ông?
- Quyển sách được chia thành 5 chương. Chương I nói về triết lý giáo dục, bởi suy cho cùng việc học - dạy - quản lý giáo dục đều bắt đầu từ việc hiểu về các triết lý giáo dục từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Tiếp nối, chương II sẽ giới thiệu 10 lý thuyết học tập mà theo chúng tôi là quan trọng nhất, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử.
Ở chương III, chúng tôi bước vào phân tích các phương pháp sư phạm, trong đó có nhiều cách giảng dạy được các thầy cô trên khắp thế giới áp dụng. Chương IV mở rộng ra tầm vĩ mô, nói đến các chính sách sư phạm ở một số quốc gia chọn lọc. Chúng tôi lựa chọn tìm hiểu sáu quốc gia ở khắp các châu lục mà Việt Nam có thể tham khảo bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Phần Lan, Nhật và Singapore.
Phần cuối cùng sẽ là góc nhìn về thực tế sư phạm ở Việt Nam cũng như đề xuất một mô hình giáo dục khai phóng để các thầy cô có thể tham khảo, từ đó có thể tự hình thành nên phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong môi trường và hoàn cảnh cụ thể của mình.
Tôi cho rằng đích đến của giáo dục khai phóng là hình thành nên con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Để giúp người học đạt được những tiêu chí trên, giáo dục sẽ phải giúp cho người học phát triển được ba năng lực - bao gồm năng lực văn hóa (làm người), năng lực công dân (làm dân) và năng lực chuyên môn (làm nghề). Muốn như vậy, giáo dục phải giúp người học tin vào thực học và tin rằng ta là sản phẩm của chính mình.
TS Giản Tư Trung: Ai cũng có thể là "Tôi"
Tựa đề của quyển sách là Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi. Chữ "Tôi" ở đây không phải là ông Giản Tư Trung hay một nhân vật cụ thể, mà là bất cứ ai quan tâm đến việc "dạy trò", "dạy con", "dạy mình". Từ những nội dung về giáo dục thế giới (tượng trưng cho lý tưởng) đến giáo dục Việt Nam (tượng trưng cho hiện thực), "Tôi" có thể làm gì?
Nói cách khác, chính "Tôi" là người kết nối cái lý tưởng và cái hiện thực đó để hình thành hướng đi thực tế cho mình. Những nguyên lý và phương pháp về "dạy trò" hoàn toàn có thể áp dụng cho việc "dạy con" hay "dạy mình". Và tất cả đều được bao trùm bởi "tuyên ngôn" của sư phạm khai phóng: "Dạy chính là giúp cho người khác học; Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người".
TTO - Ban tu thư ĐH Hoa Sen vừa ra mắt sáng 31-10 tại TP.HCM với thông điệp sẽ thực hiện sứ mệnh giáo dục hiện đại, khai phóng.
Xem thêm: mth.86640649060503202-oaig-oc-yaht-auc-coh-us-ohc-cus-peit/nv.ertiout