Theo Hãng tin AFP, quân đội Sudan và Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) sẽ bắt đầu trao đổi trực tiếp tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) từ ngày 6-5, dù giao tranh vẫn tiếp diễn tại Sudan. Cuộc họp này diễn ra với sự dàn xếp trung gian của Mỹ và Saudi Arabia.
Tuyên bố chung của Mỹ và Saudi Arabia đêm 5-5 khẳng định hai nước này hoan nghênh "việc bắt đầu các trao đổi trước đàm phán", đồng thời kêu gọi sự ủng hộ quốc tế trong việc chấm dứt xung đột ở Sudan.
Công bố chung này nêu rõ: "Vương quốc Saudi Arabia và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ kêu gọi cả hai bên cân nhắc lợi ích quốc gia, dân tộc Sudan và tham gia các cuộc đàm phán hướng đến việc đình chiến, chấm dứt xung đột".
Trong đêm 5-5 (giờ địa phương), phe quân đội xác nhận đã cử đại diện đến Saudi Arabia để trao đổi "chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn đang được cân nhắc kéo dài". Trong khi đó, phía RSF không lập tức xác nhận việc tham dự.
Tuy nhiên cả hai bên tham chiến đều khẳng định sẽ chỉ bàn bạc việc ngừng bắn vì mục đích nhân đạo, chứ không thỏa thuận việc kết thúc xung đột.
Theo Hãng tin Reuters, những trao đổi ở thành phố Jeddah là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên được thực hiện nhằm chấm dứt xung đột ở Sudan.
Từ khi xung đột tại quốc gia Đông Phi này bùng nổ vào ngày 15-4, nhiều thỏa thuận đình chiến được đưa ra, song tất cả đều đã không được nghiêm túc thực hiện.
Cuộc gặp mặt nói trên diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo cả hai phe đều công bố đã đạt được thỏa thuận đình chiến từ vài ngày trước.
Song binh lính hai phe vẫn tiếp tục giao tranh. Nhiều vụ không kích và vụ nổ vẫn được ghi nhận ở thủ đô Khartoum ít giờ trước khi cuộc đàm phán bắt đầu.
Mỹ đe dọa cấm vận các bên gây ra xung đột ở Sudan
Hôm 4-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa cấm vận với những bên có liên quan trong việc "đe dọa hòa bình, an ninh, sự ổn định của Sudan" và "làm chậm tiến trình chuyển sang thể chế dân chủ ở Sudan".
Tổng thống Biden khẳng định: "Bạo lực ở Sudan là một bi kịch. Đó là sự phản bội rõ ràng mong muốn chính quyền dân chủ và việc chuyển sang thể chế dân chủ của người dân Sudan. Điều này cần chấm dứt".
Xung đột ở Sudan có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực Đông Phi vốn luôn bất ổn. Một số lực lượng bên ngoài như Nga, UAE được cho là có quyền lợi ở nước này.