Chiều 6.5, tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tổ chức hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21.9.1973 - 21.9.2023).
Thanh Hóa cam kết là đối tác tin cậy, lâu dài cho doanh nghiệp FDI
Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản có khoảng 600 đại biểu tham dự, trong đó, khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp của Nhật Bản. Dẫn đầu các đại biểu phía Nhật Bản là ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, đến năm 2023, tổng số vốn từ Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa là khoảng 6,6 tỉ USD (chiếm 45,7% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa) và là nhà đầu tư vốn FDI lớn nhất hiện nay vào tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, có một số dự án lớn có vốn đầu tư từ Nhật Bản, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy xi măng Nghi Sơn...
Cũng theo ông Hưng, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 45,5 triệu USD. Ngoài ra, từ năm 1992 - 2022, Đại sứ quán Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục... Và hiện tỉnh Thanh Hóa đã có 13.346 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp của Nhật Bản.
"Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA. Tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao uy tín, vai trò và tầm quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản, kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa, nhằm tăng cường thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ.
"Tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp; cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định; đồng thời, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất", ông Hưng nhấn mạnh.
Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn đầu tư
Tại hội nghị, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng tỉnh Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, có khu kinh tế…
Ông Yamada Takio nhấn mạnh: "Thanh Hóa là tỉnh mà có nhiều nhà lãnh đạo ưu tú, xuất thân từ nơi đây. Họ là những người có mối nhân duyên với Nhật Bản rất sâu đậm. Trong thời gian sắp tới, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn quan tâm nhiều đến tỉnh Thanh Hóa. Điển hình là Tập đoàn bán lẻ AEON hiện đang có kế hoạch sẽ khởi công xây dựng khu Trung tâm thương mại trong năm nay và dự kiến khai trương vào năm 2025".
"Việc cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng. Do đó, tôi mong quý tỉnh sẽ tận dụng một cách hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật. Ví dụ như tại Nghi Sơn, phía Nhật Bản hiện nay đóng góp nhiều cho việc cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực điện lực. Nếu dự án nạo vét công trình tại cảng Nghi Sơn được thực hiện cho các loại tàu cỡ lớn có thể cập cảng thì đây sẽ là lợi thế xúc tiến đầu tư một cách hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa", ông Yamada Takio nói thêm.
Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp của Nhật Bản và của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thảo luận tập trung vào các nội dung về đầu tư, thương mại; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; kết nối du lịch và hợp tác địa phương Thanh Hóa - Nhật Bản.