Hàng loạt kế hoạch “khủng”
Thống kê của Reatimes dựa trên báo cáo tài chính của 27 ngân hàng cho thấy 17/27 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cách thức tăng vốn chủ yếu được các nhà băng đề ra là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10 - 50%, ngoài ra còn có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng có mức tăng vốn điều lệ cao nhất là VPBank. Cụ thể, nhà băng này dự kiến tăng vốn từ 67.434 tỷ lên hơn 79.339 tỷ đồng (tăng khoảng 12.207 tỷ đồng). Để thực hiện được mục tiêu, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation và phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu ESOP. Sau phát hành, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Đại hội cổ đông chiều 18/04 đã thông qua kế hoạch này.
Ngân hàng MB theo sau với vốn điều lệ dự kiến tăng thêm là 9.023,5 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành hơn 748 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,5%. Đồng thời, MB sẽ tiếp tục triển khai chương trình chào bán riêng lẻ và phát hành ESOP 154,24 triệu cổ phiếu theo nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2022. Nếu kế hoạch thuận lợi, vốn điều lệ của MB sẽ lên 54.363 tỷ đồng trong năm nay.
Ngân hàng OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%, qua đó tăng vốn thêm khoảng 6,8 ngàn tỷ đồng, từ 13,6 ngàn tỷ đồng lên hơn 20.000 tỷ đồng. Ngân hàng hiện đang có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận từ các năm để thực hiện điều này.
SHB cẩn trọng hơn các nhà băng khác khi đưa ra 2 kịch bản kinh doanh năm 2023. Trong điều kiện hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 14%, quy mô bảng cân đối kế toán sẽ được mở rộng 10,09%. Trong trường hợp hạn mức tăng trưởng dư nợ cho vay chỉ ở mức 10%, tổng tài sản được dự kiến tăng trưởng 8,93% trong năm nay.
ACB, SeABank và VietCapitalBank đều có chung một mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản là 10%. Theo đó, ACB dự kiến tổng tài sản năm 2023 sẽ đạt mức 668,7 nghìn tỷ; SeABank lên 255.000 tỷ; VietCapitalBank lên 86.600 tỷ đồng.
Trong các ông lớn big 4, chỉ có Vietcombank và VietinBank chốt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản. Trong đó, Vietcombank kỳ vọng quy mô tài sản sẽ được mở rộng 10% so với năm trước. Còn VietinBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 5 - 10%.
Một số ngân hàng khác trong hệ thống có kế hoạch tăng trưởng tài sản khiêm tốn, với mức tăng từ 5% đến dưới 10% như PGBank (8,3%); MSB (8%); BacABank (7,9%); VietABank (7%); TPBank (7%); Saigonbank (6%), NCB (5,18%) và ABBank (5%)…
Theo giới phân tích, tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc khe hơn của ngành ngân hàng về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính quan trọng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, mặc dù đặt ra các tỷ lệ tăng vốn khác nhau, tuỳ thuộc vào tiềm lực mỗi nhà băng nhưng có thể thấy đây là một nhiệm vụ trọng tâm và bức thiết mà các ngân hàng hướng tới. Hơn hết, kế hoạch của các nhà băng đã thể hiện sự lạc quan, niềm tin của họ cho năm 2023, một năm được đánh giá nhiều khó khăn phía trước.
Chia cổ tức vẫn là câu chuyện “nóng”
Việc tăng vốn điều lệ có thể giúp các ngân hàng đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động cũng như có thêm nguồn lực để phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, năm nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng được chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại.
Cụ thể, hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Đáng chú ý, khác với 3 năm trước, Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Thay vào đó, là khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường
Như vậy, kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay của các nhà băng còn mang ý nghĩa đảm bảo khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai cho cổ đông.
Thực tế, câu chuyện chia cổ tức vẫn luôn “nóng” mỗi khi mùa đại hội cổ đông ngân hàng tới. Không ít cổ đông của ngân hàng đã tỏ ra thất vọng khi chỉ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, họ mong muốn nhận được là tiền mặt. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được việc chi trả bằng tiền mặt.
Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên của Sacombank, nhiều cổ đông chất vấn về việc vì sao nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức trong khi lợi nhuận của ngân hàng năm nào cũng tăng.
Giải đáp về thắc mắc này, người đại diện cho biết, do Sacombank là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Mặc dù nợ xấu đã cơ bản được xử lý, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là cổ phần của ông Trầm Bê. Hiện Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.
Ví như tại HDBank, Hội đồng quản trị cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ phân phối là 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu phát hành thêm.
Đại hội đồng Cổ đông năm 2023 của ABBank cũng thống nhất chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 10%.
Với Techcombank, hơn 10 năm nay, ngân hàng này nói “không” với chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt, năm nay cũng không ngoại lệ dù lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, một số nhà băng khác đang tái cơ cấu, hay một số ngân hàng yếu kém, thuộc diện kiểm soát đặc biệt đều chưa được phép chia cổ tức cho cổ đông. Các ngân hàng này phải dành nguồn lực để trích lập dự phòng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Theo một chuyên gia trong ngành cổ tức bằng tiền mặt có một số ưu điểm, đặc biệt là việc kiểm soát “agency cost” (chi phí uỷ quyền - thừa hành). Về nguyên tắc, chi phí này càng cao thì càng cần trả cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, ở đây sẽ có một số vấn đề.
Thứ nhất, rất khó xác định “agency cost” như thế nào là cao (điểm cắt/chuyển/dừng là ở đâu?). Thông thường, “agency cost” giảm theo thời gian cùng với sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường. Khi đó, lập luận càng giai đoạn đầu càng yêu cầu trả cổ tức bằng tiền để giảm agency cost sẽ không hợp lý.
Thứ hai, rất khó có được các giải pháp buộc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển.
Thứ ba, việc trả cổ tức bằng tiền sẽ tạo ra gánh nặng thuế khóa cho cổ đông, nhất là những nhà đầu tư muốn tích lũy giá trị cho tương lai.
Mặt khác, chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư ngắn hạn nóng lòng mong đợi cổ tức tiền mặt, không hào hứng với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Còn với nhà đầu tư dài hạn vẫn là câu chuyện “chưa ăn gạo còn đó”, kỳ vọng cho những mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp thì tương lai việc chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ là điều chắc chắn. Nhất là khi Nhà nước có các chính sách, quy định rõ ràng hơn.
Xem thêm: lmth.05391000042210202-gnah-nagn-cac-auc-nov-gnat-aud-couc-gnon/nv.semitaer