Theo báo Tiền phong, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank, Ngân hàng Công Thương Việt Nam Viettinbank đồng thuận cao về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Dù trước đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng mức lãi suất hiện vẫn còn cao.
Các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất, kỳ vọng điểm rơi của chính sách tiền tệ sẽ dễ chịu hơn. Lãi suất vay giảm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, mở ra bối cảnh kinh doanh thuận lợi.
Theo tờ Người Lao động, nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều đang ngóng giảm thêm lãi suất cho vay bởi lẽ, mức giảm lãi suất vay thời gian qua chưa tương xứng với đà giảm của huy động.
Giảm lãi vay không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ hơn mà cũng là giải pháp tự cứu mình đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo Thanh niên, giảm lãi vay thì ngân hàng mới có thể đẩy mạnh cho vay, ngân hàng mới có tăng trưởng tín dụng vì nếu giữ lãi cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có vay được doanh nghiệp cũng không dám vay bởi lợi nhuận kiếm được chưa chắc đủ trả lãi cho ngân hàng. Nguy cơ thứ 2 nguy hiểm hơn. Nếu không giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải phóng tồn kho, tăng sức cạnh tranh thì nguy cơ nợ xấu của ngân hàng sẽ phát sinh. Bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng trong quý 1 vừa qua cũng hé lộ phần nào nguy cơ này.
Có thể thấy, việc giảm lãi vay, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, hợp lý hơn không phải cứu doanh nghiệp mà việc này cũng chính là tự cứu mình bởi doanh nghiệp quá khó, phá sản thì ngân hàng cũng lãnh đủ nợ xấu.
Tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, việc giảm lãi suất là một trong 8 chính sách rất quan trọng được Ngân hàng Nhà nước triển khai trong từ đầu năm. Tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực. Những ngân hàng còn cho vay ở mức cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo để có mặt bằng cho vay thống nhất. Thời gian gần đây, hầu hết các ngân đều rất chủ động trong việc giảm lãi suất.
Cùng với xu hướng giảm lãi suất, một loạt chính sách trên thị trường tiền tệ cũng được kỳ vọng sẽ sớm gỡ khó cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ tốt nhất bởi Thông tư này.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp bình luận, sự nối tiếp chính sách cơ cấu về cơ cấu nợ trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết vì khả năng thanh khoản của doanh nghiệp và người dân hiện nay đang rất khó khăn. Có những doanh nghiệp đơn hàng không có, nhưng chi phí vẫn phải trả các chi phí vận hành, các khoản nợ đầu tư nhà xưởng đến hạn phải trả.
Cùng với Thông tư 02 thì Thông tư 03 cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước đây đã bán, trái phiếu chưa lên sàn cũng được đánh giá tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất - tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu... Chính phủ cũng vừa thông qua đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) như tờ trình của Bộ Tài chính trước đó.
Theo báo Lao động, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với việc giảm thuế VAT năm 2022 - vốn tạo ra nhiều khó khăn cho cả cơ quan thuế, doanh nghiệp, người dân khi xác định mặt hàng thuộc diện giảm thuế. Thời gian áp dụng, dự kiến là từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12 năm nay. Ngân sách Nhà nước dự kiến giảm thu khoảng 35.000 tỷ đồng nếu giảm 2% VAT trong 6 tháng cuối năm 2023.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính Ngô Trí Long đánh giá, việc đưa ra chính sách giảm thuế VAT ở thời điểm này là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang cần những trợ lực. Việc giảm thuuế sẽ đem lại sự hỗ trợ dài hơi, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Chính sách giảm thuế được coi là "mũi tên trúng nhiều đích" bởi khi được giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ giảm xuống. Với cùng một số tiền, người dân mua được nhiều hàng hơn, qua đó, tác động tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm việc làm, thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, giảm thuế VAT sẽ góp phần kiểm soát lạm phát tốt hơn.
Cũng trong phiên họp Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí đầu vào, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ để giảm lãi suất cho vay vay với cả khoản vay mới và hiện hữu, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nghiên cứu, ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí; giảm thuế trước bạ đối với ôtô. Thông tin này được tổng hợp từ báo Nhân dân và Thanh niên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48940701170503202-taux-nas-peihgn-hnaod-ohc-neit-gnod-gnoht-iohk/et-hnik/nv.vtv