Mùa đại hội cổ đông thường niên đã khép lại với bức tranh lợi nhuận phân hóa giữa các ngân hàng. Ngân hàng vẫn là nhóm có kết quả kinh doanh tương đối tích cực trong số các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, năm nay đã có không ít ngân hàng báo lợi nhuận suy giảm.
Mùa đại hội cổ đông vừa qua đã công bố 2 số liệu quan trọng, thứ nhất là kết quả kinh doanh cả năm 2022 và thứ 2 là báo cáo về tình hình kinh doanh trong quý đầu năm.
Nếu nhìn vào cả năm 2022, điểm sáng là ngày càng có nhiều ngân hàng lọt top "tỷ đô". Theo thống kê sơ bộ của VTV Money, có 6 ngân hàng báo lợi nhuận trên 20 nghìn tỷ đồng. Trong khi cách đó, cách đây hai năm, Việt Nam mới có 1 ngân hàng đầu tiên đạt lợi nhuận trên mức này.
Còn với báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, cũng có 6 ngân hàng đạt mức lợi nhuận cao trên 5000 tỷ đồng, cũng có những ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trên 50% như BIDV, Sacombank. Ở chiều ngược lại, gam màu tối hơn chính là 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm, mức giảm mạnh nhất tới trên 80%.
Ngân hàng chia cổ tức
Không ít ngân hàng có được mức lợi nhuận tốt, tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư, các cổ đông vẫn băn khoăn, chính là không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay, việc chia cổ tức thế nào cũng đã có sự khác biệt giữa các ngân hàng.
Tại đại hội cổ đông, VPBank quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm nay dự kiến dành 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 10%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, cơ sở cho kế hoạch này là nhờ kết quả kinh doanh tích cực, vượt mốc lợi nhuận tỷ đô trong năm ngoái. Đồng thời, việc bán vốn cho SMBC Nhật Bản giúp họ có đủ tiềm lực tài chính để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng cao trong tương lai.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết: "Với nền tảng vốn có được, vốn chúng ta đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo, được phép 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông".
Cổ tức vẫn là câu chuyện khiến nhiều cổ đông tức lên tận cổ, đặc biệt với khối ngân hàng tư nhân đã nhiều năm chưa chia cổ tức như Sacombank hay Techcombank
Với Sacombank, họ còn vướng câu chuyện quy định pháp lý, nhưng với nhiều ngân hàng như Techcombank hay doanh nghiệp khác không chia cổ tức nhiều năm nay, lý do trả lời cổ đông vẫn chỉ là giữ nguồn lực phát triển, kỳ vọng cổ đông đồng hành sau này hưởng lợi nhiều lần.
Ngân hàng tìm cách tối ưu hoạt động kinh doanh
Lường trước được tình huống nguồn thu từ cho vay sẽ không dễ dàng, trong những năm gần đây, các ngân cũng liên tục tìm cách đa dạng cơ cấu nguồn thu, tăng các khoản thu phi tín dụng, từ các dịch vụ tài chính, để đảm bảo cơ cấu doanh thu bền vững hơn.
Ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ngân hàng Quân đội MB, cho biết: "Năm 2023 là năm khó khăn cho nền kinh tế, do đó NIM cho vay sẽ thu hẹp lại so với năm 2022. Chúng tôi cũng cố gắng chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí hoạt động, chăm sóc khách hàng khác để bù lại NIM đã giảm trong năm 2023. Với các mục tiêu đấy chúng tôi hi vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2023 sẽ đạt được 15%".
Việc chuyển đổi số giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vận hành, dựa vào dữ liệu cá nhân hoá trải nghiệm để hỗ trợ tối đa khách hàng. Vì vậy, chiến lược của ngân hàng này vẫn không thay đổi, tập trung vào phân khúc bán lẻ và đẩy mạnh số hoá.
Ông Jens Lotter, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Techcombank, nói: "Những gì chúng tôi đã làm trong vài năm qua là chúng tôi đưa công nghệ vào toàn bộ giai đoạn, từ dữ liệu đến trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng kết nối các lớp khác nhau để tạo ra trải nghiệm liền mạch dành cho tất cả khách hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp".
Khi các rủi ro đã được nhận diện, bản thân các ngân hàng cũng có đã có những phương án để ứng phó, các mục tiêu lợi nhuận vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63561740170503202-gnah-nagn-cac-o-nauhn-iol-irt-yud-ed-oan-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv