Vở opera kinh điển Cavalleria Rusticana đã có hai đêm công diễn thành công rực rỡ nửa cuối tháng 4 vừa qua tại Nhà hát lớn Hà Nội, ghi dấu ấn đặc biệt cho dàn nhạc Saigon Philharmonic Orchestra (SPO).
Cavalleria Rusticana cũng là sự kiện lớn và tham vọng nhất của nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh từ khi về nước đồng hành cùng SPO (Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn) từ năm 2017.
Tháng 7 tới, SPO sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi concert quy mô "Liên hoan âm nhạc cổ điển quốc tế lần thứ 2" với sự quy tụ của 40 nhạc công quốc tế.
Đưa tinh hoa thế giới về Việt Nam
* Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp cao học ở Anh, sống và làm việc tại Hong Kong, cơ duyên nào lại đưa nghệ sĩ Bảo Anh gắn bó với SPO?
- Mọi thứ đến khá tình cờ. Mình vốn rất yêu Sài Gòn, nên cuối 2016 khi được mời về hỗ trợ Nhạc viện TP.HCM, mình nhận lời ngay.
Đến 2017, mình diễn cùng SPO và nhận ra đồng nghiệp ở đây rất khao khát được chơi nhạc chuyên nghiệp, được diễn cùng các khách mời quốc tế.
Thật tiếc khi thấy có nhạc công bỏ ra 16 năm miệt mài học nhạc nhưng chỉ chơi ở các khách sạn hay cho đám tiệc, một số bỏ nghề vì không thấy được tương lai...
Vậy là mình góp sức phát triển SPO với tham vọng đưa tinh hoa của thế giới về Việt Nam và đưa tài năng Việt Nam ra thế giới.
Mục tiêu lớn hơn là góp phần đào tạo và phát triển các tài năng trẻ, tổ chức nhiều concert hơn để các bạn tự tin theo nghề và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
* Từ tình cờ ban đầu đến sáu năm gắn bó, anh và dàn nhạc đã nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu ra sao?
- Ban đầu mình tự bỏ thời gian, công sức sắp xếp, tổ chức các chương trình, thuyết phục đồng nghiệp nước ngoài sang hỗ trợ theo tinh thần tự nguyện để nâng chất, kết nối các đơn vị trong nước và mời thêm tình nguyện viên...
Qua từng đêm diễn, chất lượng và ý thức nhạc công đều nâng cao, tạo phản hồi tốt. Từ đó, mình dần xây bộ máy vận hành chuyên nghiệp.
Năm 2019, mỗi tháng SPO đều có chương trình mới với các nghệ sĩ đầu bè và solo từ nhiều nước trên thế giới. Mình cũng kết nối đưa dàn nhạc lưu diễn hai tuần tại bảy thành phố ở Đức và được đón nhận nhiệt tình.
Đang đà tiến nhanh thì đại dịch ập đến. Hết dịch, SPO trở lại với concert Beethoven tháng 7-2022 cùng nghệ sĩ piano Bích Trà tại TP.HCM. Kế tiếp, mình đưa SPO ra Hà Nội để khẳng định mô hình dàn nhạc này có thể khả thi ở bất kỳ đâu.
Tháng 10-2022, mình tổ chức festival âm nhạc quốc tế lần thứ nhất với nhiều nghệ sĩ từ Hungary, Thái Lan, Hong Kong... Tháng 2-2023 là hai đêm Valentine Concert pha trộn giữa nhạc nhẹ với jazz cổ điển cùng các nghệ sĩ từ Ý. Các đêm diễn đều gây bất ngờ và kín khách.
* Và thành công của vở opera Cavalleria Rusticana vào tháng 4 vừa qua chắc chắn tiếp thêm sức mạnh cho SPO?
- SPO dồn sức cho vở opera Cavalleria Rusticana theo đúng phong cách truyền thống của sân khấu nhạc kịch Ý, thể loại chưa ai làm ở Việt Nam.
Vở diễn có nghệ sĩ hát chính từ Ý, các nghệ sĩ opera từ Hong Kong, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, dàn dựng công phu với tổng nhân sự hơn 100 người...
Đêm diễn kín vé, khán giả cổ vũ nhiệt tình khiến chúng tôi rất tiếc nuối khi phải hạ màn tạm biệt.
Đó là dấu mốc "đỉnh cao" minh chứng cho chiến lược phát triển từng bước rõ ràng của SPO. Dàn nhạc đã thử sức và chinh phục mọi quy mô: hòa tấu thính phòng, dàn nhạc giao hưởng từ nhỏ đến lớn, festival, lưu diễn nước ngoài, sản xuất opera tại Việt Nam...
Sau cột mốc này, hy vọng SPO sẽ càng được tin cậy để tổ chức nhiều chương trình chất lượng hơn nữa.
Âm nhạc là cho tất cả mọi người
* Vậy theo anh, đâu là cách tiếp cận âm nhạc cổ điển hiệu quả đến công chúng, nhất là giới trẻ?
- Mình nghĩ cần phân bổ nhiều quy mô và chương trình biểu diễn. SPO đang có ba cấp độ: master - đẳng cấp để nghệ sĩ khẳng định nghề nghiệp và trình độ; discovery - tìm kiếm các bạn có tiềm năng bồi dưỡng cho tương lai; và mix - pha trộn các thể loại để tạo không khí mới cho đại chúng.
Những concert mix jazz với pop, concert nhạc phim, cổ điển kết hợp âm nhạc dân tộc Việt Nam... đều rất truyền cảm hứng.
Mình tin âm nhạc là cho tất cả mọi người, phải phục vụ và chạm được công chúng mới làm hết chức năng.
* Dành nhiều tâm huyết cho các tài năng trẻ, vậy anh có chia sẻ gì cùng các bạn?
- Hãy học, học nữa, học mãi (cười). Phải có định hướng, biết mình ở đâu và phải trung thực với chính mình.
Việc lãng quên luyện tập để chạy show kiếm tiền rất dễ "giết chết" các bạn. Hãy luôn giữ ý thức nghề nghiệp và định hướng chuyên môn khi theo đuổi bộ môn này.
Nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp cao học Nhạc viện Hoàng gia London (1994-1998); từng là bè trưởng Bassoon của Dàn nhạc Giao hưởng Daejeon, Hàn Quốc (2005-2010); trình diễn với tư cách độc tấu và bè trưởng Bassoon tại nhiều lễ hội âm nhạc quốc tế ở châu Âu, châu Á.
Anh hiện là giám đốc Học viện Bassoon Hong Kong và Bauhinia Musik Haus, giảng viên Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hong Kong và giám đốc nghệ thuật của SPO từ năm 2017.
Anh thường bay về Việt Nam tổ chức biểu diễn cho SPO để đưa công chúng tiếp cận loại hình nghệ thuật vốn bị cho là "học thuật, hàn lâm và khó cảm thụ" này.
Anh cũng sắp ra mắt album với nhóm nghệ sĩ người Hungary.
TTO - Dàn đồng ca hát 'Anh đếch cần gì nhiều ngoài em' khi Đen rap trên nền nhạc giao hưởng, thể hiện sự giao thoa giữa chất đường phố, xù xì của rap và tính cổ điển, hàn lâm của giao hưởng.