Doanh nghiệp và người nuôi "mất ăn mất ngủ"
Những ngày này, rất nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ vô cùng lo lắng bởi giá cá giảm, khó bán trong khi đang vào kỳ thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - thở dài: “Hồi đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng đã có dấu hiệu chựng lại, nhưng chúng tôi không ngờ lại khó khăn thế này. Hiện giờ, giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 27.500-28.500 đồng/kg, người nuôi cầm chắc lỗ”. Theo bà, gần đây, giá thức ăn cho cá tra liên tục tăng, giá cá giống cũng tăng từ 26.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg do nguồn giống khan hiếm.
Chất lượng thức ăn, chất lượng cá giống cũng giảm so với trước khiến thời gian nuôi cá tra kéo dài 11 tháng/vụ, đẩy chi phí giá thành lên 29.000-30.000 đồng/kg. Bà Thúy than: “Mấy ao cá nhà tôi nuôi cả năm nay đã tới kỳ thu hoạch, sản lượng khoảng 600-700 tấn nhưng chưa bán được, trong khi chi phí đầu tư gần 20 tỉ đồng. Đầu ra kẹt như vầy thì nguy quá”.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (An Giang) - Ảnh: H.L. |
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) - cho hay, 16 xã viên của HTX hiện còn hơn 5.000 tấn cá tra chưa tiêu thụ được: “Mấy ngày qua, chúng tôi liên tục hối thúc các doanh nghiệp (DN) đối tác đẩy nhanh tiến độ thu mua nhằm giúp bà con giảm lỗ, nhưng các DN cũng chưa thể thu mua thêm nữa do khó xuất khẩu”.
Không riêng ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều hộ ở các tỉnh, thành khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tới kỳ thu hoạch cá tra mà chưa có DN đến mua, cá nặng 1,2 - 1,3kg/con mà vẫn phải cho ăn cầm chừng. Có hộ chấp nhận bán lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg và chỉ nhận được 50% tiền mặt, 50% còn lại nhận bằng thức ăn cho cá.
“Số phận” con tôm cũng không khá hơn. Ông Lê Hoàng Vũ - ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - cho hay: “Giá tôm thẻ loại 100 con/kg giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giảm còn hơn 95.000 đồng/kg; giá tôm sú loại 100 con/kg nay còn hơn 95.000 đồng/kg, loại 50 con/kg nay còn khoảng 130.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ngoài sụt giá, tỉ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cũng tăng, giá thức ăn cũng tăng nên người nuôi tôm thiệt trăm bề”.
Chủ một DN xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp cho hay, do thiếu đơn hàng xuất khẩu nên công ty phải giảm công suất hoạt động 30 - 40%. Công ty cũng muốn thu mua nhiều thủy sản để giảm khó cho nông dân nhưng đành chịu.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang) - một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra giảm là do xuất khẩu bị chững lại. Cụ thể, những thị trường từng nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều gặp khó khăn nên giảm tiêu thụ. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của một số thị trường vẫn còn nhiều khiến tốc độ tiêu thụ không như kỳ vọng của bên xuất khẩu.
Dồn sức gỡ khó cho thủy sản
Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỉ USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022 và còn cách xa chỉ tiêu 10 tỉ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra cho năm 2023. Theo bộ này, cuối năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái khiến việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản cũng khó khăn, đơn hàng giảm mạnh.
Theo ông Võ Văn Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam - do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, người tiêu dùng ở nhiều nước hạn chế chi tiêu. Thêm vào đó, thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long - nhất là con tôm - còn phải cạnh tranh với nguồn nguyên liệu giá thấp của các nước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Để vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì hoạt động xuất khẩu, các DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm lao động.
Trong năm 2023, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) đặt chỉ tiêu đạt doanh thu 5.900 tỉ đồng nhưng hết quý I, doanh thu chỉ đạt 1.008 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giảm thuế khi nhập khẩu các nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản - như giảm thuế nhập đậu nành từ 2% về 0% - góp phần giảm chi phí đầu vào cho người nuôi cá. Nếu được giảm thuế, giá thành chăn nuôi sẽ giảm, sức cạnh tranh tăng, bởi chi phí thức ăn chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta - đề xuất, cần chuẩn hóa cơ sở sản xuất và cung ứng tôm giống để duy trì chất lượng tôm giống đồng đều, hạn chế rủi ro cho người nuôi. Ở Ecuador và Thái Lan, số đơn vị sản xuất giống ít nên việc quản lý thuận lợi, còn ở Việt Nam, có trên 2.000 cơ sở sản xuất giống, trong đó không ít cơ sở cung ứng tôm giống kém chất lượng khiến tỉ lệ nuôi thành công thấp, đẩy giá nuôi tôm tăng cao.
Ông cũng đề xuất đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện, đường) cho các vùng nuôi tôm trọng điểm; tăng cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho DN, như sớm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là ở các thị trường lớn, thị trường mới nổi; tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản. Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa DN trong nước và DN nước ngoài; cung cấp các thông tin về thị trường, thông tin thay đổi chiến lược để DN có biện pháp thích ứng phù hợp; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành tín dụng để cung cấp vốn cho DN; tiếp tục có giải pháp giảm lãi suất vay hỗ trợ DN, nhất là các DN xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng. |
Huỳnh Lợi
Xem thêm: lmth.2811941a-oad-oal-nad-gnon-ort-cart-nas-yuht-uahk-taux/nv.moc.enilnounuhp.www