Thời gian gần đây, Cục QLTT tỉnh Kon Tum phát hiện có người tự xưng Phạm Trung Kiên và Nguyễn Tiến Hiển, là công chức QLTT. Hai người này gọi điện đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thông báo sẽ kiểm tra. Nếu các cơ sở kinh doanh muốn giúp đỡ, thì chuyển tiền bồi dưỡng thông qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.
Anh N.V.T (chủ một cơ sở kinh doanh ở huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, vào ngày 5-5, anh nhận được một cuộc điện thoại của một người xưng tên Hiển, làm việc ở QLTT tỉnh Kon Tum, thông báo cơ sở của mình sắp bị kiểm tra. Đối tượng yêu cầu anh T chuyển tiền vào tài khoản đã được cung cấp, sẽ được bỏ qua kiểm tra. Thấy nghi ngờ nên anh T đã gọi điện cho Cục QLTT tỉnh Kon Tum xác minh.
Ngoài ra, với chiêu thức trên, hiện cơ quan chức năng đã xác định, đối tượng tên Kiên và Hiền đã gọi cho trên 10 hộ kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Qua xác minh, Cục QLTT tỉnh Kon Tum khẳng định, đơn vị không có công chức tên Hiển và Kiên, các số điện thoại nêu trên cũng không phải là số điện thoại của cán bộ đơn vị. Đây là trường hợp giả danh lực lượng QLTT để lừa đảo.
Còn tại tỉnh Gia Lai, Cục QLTT tỉnh này cũng liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, về việc có đối tượng tên là Phạm Trung Kiên tự xưng là công chức của đơn vị gọi điện, hù doạ để lừa đảo.
Đối tượng cũng gọi điện thoại thông báo sẽ đến kiểm tra cơ sở kinh doanh, và đề nghị nộp phạt hành chính vào tài khoản ngân hàng của đối tượng cho.
Theo Cục QLTT tỉnh Gia Lai, đây là trường hợp mạo danh để lừa đảo, trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng uy tín của đơn vị. Cục QLTT tỉnh Gia Lai không triển khai việc đề nghị các cơ sở chuẩn bị tiền nộp phạt khi chưa tiến hành quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và uy tín của lực lượng QLTT cũng như đảm bảo an ninh trật tự, Cục QLTT tỉnh Kon Tum và Gia Lai khuyến cáo: Nếu phát hiện các cá nhân mạo danh, giả danh công chức QLTT để thông báo kiểm tra và đòi tiền bồi dưỡng, đề nghị các cá nhân, tổ chức kịp thời phản ánh ngay qua đường dây nóng Cục QLTT địa phương hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác biết và phòng ngừa các thủ đoạn mạo danh, giả danh, lừa đảo của các đối tượng.
Xem thêm: lmth.497641_neit-iov-ed-gnourt-iht-yl-nauq-hnad-oam/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc