Lần gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, nâng lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Nhưng theo vua trái phiếu Jeffrey Gundlach, người sáng lập quỹ DoubleLine Capital, điều này sẽ là dấu chấm hết cho lập trường diều hâu của ngân hàng trung ương Mỹ.
Ông viết trên Twitter: “FED sẽ không tăng lãi suất nữa”. Đây không phải lần đầu tiên Gundlach dự đoán rằng FED sẽ xoay trục chính sách.
Trong một tweet hồi tháng Ba, vua trái phiếu dự đoán rằng FED sẽ sớm cắt giảm mạnh lãi suất. “Xác suất tôi sai là khoảng 30%, nên mọi người hãy cân nhắc điều đó trong mọi quyết định”, ông viết.
Tuy nhiên, tỷ lệ đúng 70% vẫn là điều đáng kinh ngạc trong giới đầu tư. Suốt những năm qua, khả năng tiên đoán kỳ lạ của ông Gundlach về các xu hướng và việc đưa ra những quyết định có lợi trên thị trường trái phiếu đã mang lại cho ông biệt danh “Vua trái phiếu”.
Nếu nhà đầu tư tỷ phú đúng ở thời điểm này, đó có thể là tin tốt có các nhà đầu tư trong hai lĩnh vực sau.
Công nghệ
Cổ phiếu công nghệ đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Nhưng vì tiềm năng tăng trưởng của mình, những công ty này thực sự đã chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng.
Để dễ hình dung, S&P 500 đã giảm khoảng 13% kể từ đầu năm 2022. Mặt khác, Nasdaq Composite, tập trung vào công nghệ, đã giảm 22% trong cùng kỳ.
Các công ty công nghệ trong giai đoạn tăng trưởng thường đi vay tiền để duy trì nghiên cứu, phát triển và mở rộng. Chi phí vay cao hơn khi lãi suất tăng, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và triển vọng tăng trưởng của các công ty này.
Các ông trùm công nghệ đã kêu gọi cắt giảm lãi suất. Vào tháng 11/2022, CEO Elon Musk của Tesla cho biết FED cần “cắt giảm lãi suất ngay lập tức”, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra suy thoái nghiêm trọng.
“Bà trùm cổ phiếu” Cathie Wood của công ty quản lý quỹ Ark Invest gần đây đã nói rằng lãi suất tăng “như một trận động đất” tác động đến chiến lược của công ty bà.
Nếu FED xoay trục như tỷ phú Gundlach dự đoán, lĩnh vực công nghệ sẽ được thở phào nhẹ nhõm và cổ phiếu công nghệ có thể sẽ tăng trở lại.
Bất động sản
Bất động sản là một lĩnh vực khác cũng nhạy cảm với lãi suất. Lý do rất dễ hiểu.
Khi FED tăng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát, lãi suất thế chấp cũng sẽ tăng vọt. Mọi người sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc đi mua đất, mua nhà, vì chi phí vay mượn tăng lên. Từ đó, nhu cầu về bất động sản giảm xuống.
Các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) lâu nay đã là một lựa chọn phổ biến cho các nhà đầu tư muốn khai thác bất động sản. Hiệu suất của các quỹ này cũng bị ảnh hưởng bởi chu kỳ tăng lãi suất.
Vào năm 2022, khi FED công bố 7 lần tăng lãi suất, chỉ số MSCI U.S. REIT đã giảm 24,5%.
Lãi suất tăng đẩy chi phí vay của REIT và làm giảm khả năng sinh lời của các quỹ này. Đồng thời, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của trái phiếu và cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất khác có thể khiến REIT kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Nếu chu kỳ tăng lãi suất này kết thúc, lĩnh vực bất động sản có thể thấy những ngày tương sáng ở phía trước.
Theo Yahoo Finance