Trung tâm thương mại: nơi đổi thay, nơi phá sản
Trở lại tòa tháp Bitexco Financial Tower (quận 1, TP.HCM) những ngày này, khu vực trung tâm thương mại vẫn chưa có những thay đổi so với tháng 2-2023. Trước đó, ông Brian Cannon - phó giám đốc quản lý Bitexco Financial Tower - cho biết tòa tháp này đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo trong kế hoạch tái định vị, một số hạng mục có thể tái sử dụng từ quý 2 này.
Lý do khiến Bitexco phải thay đổi được ông Brian Cannon đưa ra là trước yêu cầu ngày càng cao về nhu cầu trải nghiệm mua sắm của khách hàng buộc Bitexco phải cải tạo, nâng cấp.
Như vậy, sau hơn một thập niên đưa vào kinh doanh, đến nay Bitexco phải "thay áo mới".
Tương tự, trung tâm thương mại Diamond sau hơn hai thập niên vận hành cũng phải "đại trùng tu". Hiện không gian bên trong Diamond đã "khoác áo mới" hiện đại hơn, nhiều thương hiệu thời trang trẻ trung hơn đã quy tụ.
Diamond Plaza đón thêm 65 nhãn hàng mới, trong đó nhiều nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng lần đầu đặt chân đến Việt Nam.
Trong khi đó, Parkson gia nhập thị trường Việt Nam từ 2005. Khởi sự từ trung tâm thương mại đầu tiên là Parkson Saigon Tourist Plaza tại quận 1, thời kỳ hoàng kim Parkson có đến 10 trung tâm thương mại ở Việt Nam.
Từ năm 2014 trở đi, chuỗi trung tâm thương mại này bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm khi lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại lẫn báo lỗ hàng trăm tỉ đồng. Đến nay, chuỗi bán lẻ đình đám một thời còn duy nhất trung tâm thương mại và cũng đã phải nộp đơn tự nguyện phá sản.
Thay đổi để tồn tại
Đánh giá việc Parkson rút khỏi thị trường Việt Nam, bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý bộ phận cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam - cho rằng mô hình kinh doanh của Parkson đã thể hiện sự thiếu hiệu quả của mình tại thị trường Việt Nam từ cách đây gần 10 năm.
Quyết định này của Parkson không quá bất ngờ mà phản ánh đúng tình hình của thị trường bán lẻ hiện tại.
Cụ thể, các dự án trung tâm thương mại lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê đến các diện tích lớn. Thay vào đó, họ ưu tiên chào thuê đến nhiều sự đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng tại Việt Nam hơn.
Bên cạnh đó, bà Quyên cũng cho hay những thói quen mua sắm mới ngày càng tác động rõ rệt đến hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu, điều này khiến các trung tâm thương mại phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, lên kế hoạch 3-5 năm để cải tiến mặt bằng, đón chào những thương hiệu quốc tế mới gia nhập vào Việt Nam.
"Khi một trung tâm thương mại có thương hiệu nổi tiếng mới sẽ tạo ra sức hút và đặc trưng riêng, khiến cho dự án của mình khác biệt so với các đối thủ trong khu vực", bà Quyên cho hay.
Tương tự, bà Marie Hickey - giám đốc bộ phận nghiên cứu bất động sản thương mại Savills tại Anh - cũng khẳng định việc các không gian bán lẻ đang chuyển mình từ cửa hàng truyền thống sang một không gian để khách hàng trải nghiệm nhiều hơn.
Theo bà Marie Hickey, trong bối cảnh số hóa như hiện nay, vai trò của các cửa hàng vật lý đang được những thương hiệu định vị lại thành điểm đến kết hợp giữa mua sắm, thư giãn và giải trí.
Khách thuê tiếp tục bỏ trống mặt bằng
Báo cáo thị trường quý 1-2023 của Savills TP.HCM cho thấy công suất thuê mặt bằng bán lẻ toàn thị trường đạt 92%. Công suất ở mức cao 92% ổn định theo quý và giảm nhẹ -0,4 điểm phần trăm theo năm.
Một trong những xu hướng đáng chú ý là khách thuê tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm. Theo phân tích của Savills, nguyên nhân chính của vấn đề này đến từ lượng khách qua lại thấp tại những mặt bằng có vị trí thuê không tốt, cùng với đó là chính sách marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Theo thống kê của Savills, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Sức mua giảm sút, chi phí mặt bằng ngốn hết lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp phải 'tháo chạy' khỏi các mặt bằng cho thuê ở TP.HCM.
Xem thêm: mth.13503308121503202-hcahk-tuh-ed-iom-oa-yaht-iahp-iam-gnouht-mat-gnurt-ma-e-noub-nab/nv.ertiout