Sáng 13-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Đề nghị tăng nặng chế tài xử lý tham nhũng, tiêu cực
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Đức Hạnh (Ba Đình) đề nghị tiếp tục xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tiêu cực và có biện pháp xử lý đối với các cán bộ sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng.
Đồng quan điểm đó, cử tri Nguyễn Thu Vân (Hai Bà Trưng) nêu rõ nhân dân bày tỏ sự ủng hộ việc kiên quyết xử lý các vụ việc tham nhũng, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai...
Tuy nhiên, theo bà Vân, một số vụ tham nhũng lớn vừa qua xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương có tính hệ thống, liên kết với nhau cùng thực hiện hành vi tham nhũng trên phạm vi rất rộng.
Từ đó, bà đề nghị xử lý thật nghiêm các vụ việc và Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng nặng chế tài xử lý nghiêm khắc để đủ sức răn đe.
Cùng với đó xây dựng, thực thi các cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời quan tâm cải cách tiền lương để cán bộ không dám, không cần tham nhũng…
Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được
Phát biểu sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của cử tri.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư cho hay hiện nay không chỉ phòng, chống tham nhũng mà cả tiêu cực.
Ông khẳng định phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước.
"Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín", Tổng bí thư nêu.
Ông thông tin về cơ bản những vụ việc tham nhũng, tiêu cực "tồn tại nổi tiếng" đã được đưa ra xét xử trong thời gian qua. Tuy nhiên có một vài cá nhân trốn đi nước ngoài "nhưng trốn cũng không được đâu. Ta sẽ xử vắng mặt và tòa đã xử vắng mặt rồi".
"Khi anh không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp.
Khi đó, theo luật pháp quốc tế, tôi có quyền phối hợp với nước đó để bắt về. Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, không chỉ chống sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác mà phải làm sao chống suy thoái về tư tưởng, chính trị và đó là cái gốc. Nếu anh có đạo đức, tư tưởng tốt thì tham ô, tham nhũng làm gì, phải biết khinh bỉ cái đó, biết cái đó là xấu, tránh xa ra.
Một điểm mới được thực hiện trong thời gian qua, theo Tổng bí thư, là đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi.
"Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành", Tổng bí thư chỉ rõ.
Ông nói thêm hiện nay đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và tới đây sẽ sơ kết 1 năm xem nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt.
Cũng theo Tổng bí thư, chúng ta từng thực hiện chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện nên giờ đây đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải toàn dân. Tất cả các cấp cùng làm, chứ không phải dưới không làm gì để trung ương làm hay trung ương xuống làm hộ.
"Anh nào ở địa phương không làm được thì xử lý, thay thế. Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem", Tổng bí thư nhấn mạnh thêm.
Sáng 10-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét nhiều nội dung quan trọng.