Những dấu hiệu này là cơ hội để chính quyền địa phương lắng nghe, tìm giải pháp, làm mới, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm, dịch vụ du lịch, chọn lựa phân khúc lợi thế cho đảo ngọc.
Phú Quốc vốn có vị thế thuận lợi để trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ của Việt Nam mà cả ở khu vực.
Định hướng phát triển đảo và ngành du lịch Phú Quốc đã được xác định rõ là trở thành khu kinh tế, hành chính đặc biệt, một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế.
Vậy mà sau một thời gian không dài, "thiên đường du lịch" Phú Quốc bỗng nhiên "ế" trong dịp lễ vừa qua.
Trong khi nhiều địa phương trong cả nước và toàn ngành du lịch có mức tăng trưởng du lịch cao, tạo ra các điểm sáng thì trung tâm du lịch Phú Quốc chịu "cú sốc ngược". Nhiều hướng dẫn viên du lịch đói tour, công suất buồng, phòng khách sạn thấp...
Nhiều du khách chọn phân khúc du lịch cao cấp chấp nhận chi phí cao hơn để đến đảo ngọc cho hay thất vọng khi đồng tiền không đi liền dịch vụ.
Đó chính là chỉ dấu nổi lên của những hệ lụy tiềm ẩn trong phát triển đảo và ngành du lịch Phú Quốc các năm qua. Có thể nhận thấy việc quản lý hoạt động du lịch cũng nằm trong chuỗi những yếu kém của Phú Quốc thời gian gần đây đã được báo chí phản ánh.
Tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông chiếm khoảng 50% số vụ tai nạn giao thông toàn tỉnh Kiên Giang. Trọng án xảy ra ở Phú Quốc cũng nhiều hơn.
Quản lý xây dựng, đất đai trên đảo, bộ mặt đô thị, hệ lụy về môi trường, xử lý rác thải, nước thải, tình trạng đảo ngập gây ấn tượng xấu.
Quy hoạch chọn phân khúc cao cấp nhưng bất cập quản lý phân khúc bình dân cùng các bất cập trong phát triển chung của đảo sẽ tạo ra những ảnh hưởng to lớn đến du lịch.
Để đảo ngọc thực sự là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, phát triển phân khúc du lịch cao cấp, chất lượng cần thay đổi cách làm, cách thức quản lý để du lịch hấp dẫn hơn. Phân khúc du lịch cao cấp mà Phú Quốc lựa chọn phát triển chưa được quản lý tách bạch với du lịch bình dân.
Cần tạo cho Phú Quốc thành điểm nhấn khác biệt của du lịch biển đảo, dịch vụ giải trí cao cấp như việc thí điểm thành công casino Phú Quốc vừa qua.
Phú Quốc cần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch chia sẻ trên cơ sở tích hợp đa giá trị để nâng cao chất lượng phân khúc bình dân đang rất manh mún.
Khi đã có điểm nhấn, điều quan trọng là cách ứng xử với du khách. Sẽ không ai phàn nàn khi chi tiền nhiều cho một điểm đến sang trọng, chất lượng phục vụ đẳng cấp; du khách chỉ bực mình khi phải chi tiền cao cho một sản phẩm du lịch vốn chỉ là bình dân.
Ngoài ra, để chọn lựa đầu tư phát triển phân khúc du lịch cao cấp, ngành du lịch cần sớm ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để tìm hiểu sâu về thị hiếu, tâm lý, sở thích du khách, phục vụ tốt nhất trải nghiệm của du khách, nhằm tăng tỉ lệ khách trở lại - vốn đang là điểm yếu của du lịch.
Tương lai của du lịch Phú Quốc ra sao phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối với nó trong hiện tại. Việc "ế" trong dịp lễ vừa qua là một thách thức cũng là cơ hội để đảo ngọc nhìn lại và đi tới.
Khách du lịch đến Phú Quốc giảm không chỉ do giá cả cao, vé máy bay 'chát' mà còn nhiều nguyên nhân khác. Phú Quốc sẽ làm gì?
Xem thêm: mth.1325348061503202-couq-uhp-hcil-ud-ohc-nohc-aul/nv.ertiout