Theo tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế khó khăn. Kinh tế TPHCM quý 1/2023 chỉ tăng trưởng 0,7% phản ánh rõ nhất điều này. Hiện, TPHCM đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhưng chỉ có giải ngân dự án vành đai 3 có tỉ lệ tăng đột biến. Ở các quận, huyện, tiến độ vẫn ì ạch do các địa phương chưa thật sự vào cuộc.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - thông tin, trước đây, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) luôn ở mức cao, kể cả thời điểm xảy ra dịch COVID-19 nhưng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số này ở Việt Nam thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thế giới đang có dấu hiệu mất cân đối cung cầu, một số nước có tình trạng trữ lượng mặt hàng tiêu dùng thông thường trong dự trữ quốc gia.
TPHCM và cả nước cần chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn, tính toán để có giải pháp bình ổn thị trường cả nước… Hiện lượng mặt bằng trống rất nhiều nhưng giá cho thuê không giảm nên không thúc đẩy được mạng lưới bán lẻ. Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, các kênh đại lý hiện không phát triển bằng các kênh thương mại điện tử. Do đó, để tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển, cần phải hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng, trong đó cần triển khai nhanh chóng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% càng sớm càng tốt.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, có ý kiến nhận định kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý 2/2023, nhưng điều này rất khó xảy ra nếu chỉ dựa vào một vài chỉ số thị trường. Như doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1/2023, chỉ số này tăng trưởng tốt nhưng qua tháng 4 đã bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp, hay như thị trường du lịch đã khởi sắc nhưng khách du lịch ngày càng thưa thớt. Ngoài ra, các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công chưa tăng…
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, cần giảm VAT về mức 5-6% (Trong ảnh: Du khách nước ngoài đang ăn uống tại hội chợ ẩm thực trên phố đi bộ Lê Lợi (quận 1, TPHCM) |
Để kinh tế sớm phục hồi, cần phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai các chính sách kích cầu nội địa thông qua hai công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nhà nước cần nghiên cứu giảm thuế VAT theo từng ngành. Mức giảm 8% là chưa đủ, cần giảm mạnh hơn, xuống còn 5-6%. Song song đó cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa. Riêng về phía DN, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó thì phải thúc đẩy nội địa bằng một loạt chiến dịch giảm giá hàng hóa. DN lữ hành, du lịch cũng cần thúc đẩy theo cách này. “Chính quyền cần có giải pháp căn cơ để hấp thụ dòng vốn đầu tư công, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Nếu không khơi thông được bất động sản thì các DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” - tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.
Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) - cho rằng, để nhanh chóng đưa TPHCM tăng trưởng trở lại, cần những giải pháp đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng như giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, tinh giản các quy định và thủ tục hành chính…
Theo ông, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực nên để ngành này phục hồi và phát triển cần sự phục hồi của các ngành kinh tế khác. TPHCM nên đầu tư phát triển thêm hạ tầng giao thông du lịch như hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống cảng du lịch tàu biển, tàu sông… Nên thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực với các địa phương, như vậy sẽ tạo sức mạnh tổng lực, kích cầu cho toàn ngành.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định, hiện rủi ro về thị trường nội địa rất lớn trong khi đó thị trường thế giới liên tục biến động. Rủi ro thứ hai là về chính sách, do một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay, trong khi muốn tháo gỡ lại rất khó. Hiện nhiều đơn vị không dám hành động do nhiều vướng mắc, vì vậy, cần phải nhận diện và giải quyết vấn đề này.
TPHCM đã đề xuất nhiều chủ trương rất hay nhưng ít được áp dụng như mô hình chính quyền đô thị. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng (giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…) và không có thêm động lực mới. Muốn đột phá, TPHCM cần những dự án đột phá như: cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại… cùng với đột phá về thể chế để kéo các nhà đầu tư lớn về thành phố.
“Vấn đề của TPHCM không chỉ là của thành phố mà là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TPHCM là cho cả nước, bởi TPHCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì mới có thể kéo cả đoàn tàu đi lên” - tiến sĩ Trần Đình Thiên kiến nghị.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.7081941a-6-5-noc-tav-maig-iahp-aid-ion-uac-hcik-noum/nv.moc.enilnounuhp.www