Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) trở lại với chủ đề "Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học". Chương trình được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Trường đại học Kinh tế quốc dân.
75 ứng viên tiêu biểu được chọn ra từ 900 hồ sơ đến từ 10 nước ASEAN và Timor-Leste. Họ là những giảng viên, nhà quản lý, hoạch định hoặc vận động chính sách, cố vấn và các chuyên gia trẻ đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Trong chương trình hội thảo kéo dài bốn ngày, những thủ lĩnh trẻ của YSEALI 2023 sẽ tham gia vào các hoạt động như thảo luận toàn thể, làm việc nhóm, tập huấn, đi thực tế.
Nhằm khởi động sáng kiến xây dựng quan hệ đối tác giữa các tổ chức giáo dục đại học khu vực, YSEALI 2023 sẽ tài trợ "quỹ hạt giống" cho 3 dự án giáo dục xuất sắc nhất được trình bày tại hội thảo. Mỗi dự án sẽ được nhận 3.000 USD.
Lễ khai mạc diễn ra vào sáng 16-5 tại Hà Nội, ông Phạm Quang Hưng - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo - chào đón sự có mặt của những thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Ông bày tỏ hy vọng vào kết quả tốt đẹp của YSEALI 203.
Ứng dụng công nghệ vào giáo dục đại học
Một trong những nội dung được quan tâm tại YSEALI 2023 là việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục đại học.
Trả lời báo chí bên thềm sự kiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đánh giá tầm quan trọng của công nghệ với giáo dục (điển hình là việc học trực tuyến) nhưng không quên nhấn mạnh việc này cũng "chứa đựng nhiều thách thức".
Vì vậy, ông Knapper cho rằng đây là một chủ đề nóng mà YSEALI năm nay cần thảo luận.
Chị Kosoma Kim - 27 tuổi, một start-up trong lĩnh vực giáo dục ở Campuchia - bày tỏ niềm vui khi được tham dự YSEALI 2023 tại Việt Nam.
"Tôi được gặp rất nhiều người có cùng chí hướng với lĩnh vực giáo dục. Tôi rất mong mỏi được cùng họ trao đổi những ý tưởng thú vị trong những ngày tới", chị Kim hào hứng nói Tuổi Trẻ Online.
Cùng quan điểm với Kim là chị SzeYing Teo, 32 tuổi. Đến tham dự YSEALI từ đảo quốc Singapore, chị Teo bày tỏ hy vọng được "kết nối sâu sắc hơn" với những người bạn trong khu vực ASEAN thông qua giáo dục và văn hóa.
Cam kết của Mỹ với khu vực
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Mỹ với các nước ASEAN và Timor-Leste trong việc thúc đẩy các sáng kiến giáo dục tại khu vực.
"Giáo dục là ưu tiên quan trọng của Chính phủ Mỹ và các quốc gia trong khu vực vì đây là lĩnh vực đào tạo và trang bị kiến thức cho những nhà lãnh đạo trẻ tương lai", ông Knapper nói.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc những thủ lĩnh trẻ sẽ đóng góp gì cho cộng đồng sau YSEALI 2023, đại sứ Mỹ hy vọng những người trẻ năng động này sẽ góp phần nhân rộng những ý tưởng giáo dục tới cộng đồng và quốc gia của họ.
10 năm quan hệ Việt - Mỹ, 10 năm YSEALI
YSEALI là sáng kiến ngoại giao của Mỹ nhằm đào tạo kỹ năng và khả năng lãnh đạo cho thanh niên ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2023 đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam, cũng là 10 năm chương trình YSEALI được triển khai.
"Giáo dục là cây cầu xây dựng nên sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Những sự kiện như YSEALI sẽ đóng vai trò xây dựng cầu nối giữa Mỹ, Việt Nam và các nước trong khu vực", Đại sứ Knapper khẳng định.
Nhân dịp này, Đại sứ Knapper gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức trong nước dành cho YSEALI.
Trong lễ tuyên thệ tháng 12 năm ngoái, Ethan Light - đại diện nhóm chín tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tại Việt Nam - chia sẻ bằng tiếng Việt: "Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu mình cũng là học trò trên đất Việt".
Xem thêm: mth.75772502161503202-cud-oaig-iom-iod-nab-man-teiv-iat-pag-a-man-gnod-ert-hnil-uht-57/nv.ertiout