50% doanh nghiệp ở TPHCM đang gặp khó khăn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao. Thực tế này phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế nước ta. Số liệu và tình hình kinh tế trong nước lẫn thế giới cho thấy, nền kinh tế nước ta còn nhiều thách thức trong năm 2023.
Cụ thể, lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường là 60.241 DN - cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với 56.946 DN.
Ngày 06/4, tại buổi họp báo công bố về tình hình lao động việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, trong quý IV/2022 cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các DN, sang quý I/2023, con số này tăng lên với gần 149.000 lao động bị mất việc. 55,2% lao động bị nghỉ việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (21.700 người), TPHCM (19.800 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (7.700 người)...
Mới đây, ngày 10/5, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài gần 40 giây ghi lại cảnh lãnh đạo Công ty TNHH Say Fashion Việt Nam (phường Thuận Giao, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) thông báo phải ngưng hoạt động trước mặt các công nhân lao động.
Đoạn clip sau khi lan truyền trên mạng đã tạo sự quan tâm của các tầng lớp lao động, nhiều người bày tỏ sự cảm thông cho công nhân trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong video, công nhân lặng người nghe lãnh đạo công ty phát biểu: "Công ty TNHH Say Fashion Việt Nam thông báo, do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, công ty không có đơn hàng trong một thời gian dài. Công ty không có khả năng duy trì kinh phí để tiếp tục hoạt động. Vì vậy, Ban Giám đốc công ty thông báo tới tất cả anh chị em công nhân, công ty sẽ ngừng hoạt động toàn bộ từ ngày 20/6/2023". Ngay sau đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã xuống công ty để nắm thông tin sự việc nhằm giải quyết các chế độ và giới thiệu việc làm mới cho 190 lao động của công ty này.
Hình ảnh tương tự xảy ra ở nhiều địa phương khác. Ngày 03/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết từ tháng 4/2023, Công ty TNHH TKG Taekwang MTC Việt Nam (chuyên gia công giày da, đóng tại Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) cho gần 800 công nhân nghỉ việc. Những hình ảnh như vậy cho thấy bức tranh kinh tế nước ta không chỉ khó khăn trong quý I/2023 mà có thể còn diễn ra trong những quý tới.
Bên lề cuộc họp báo về Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 diễn ra chiều 11/5, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, TPHCM vừa công bố chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương). Theo đó, có đến 50% DN trên địa bàn TPHCM đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Thậm chí, một số DN đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước.
Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn
Ngày 09/5, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều DN lớn hiện đang gặp nhiều khó khăn, một số DN đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán và giá bán chỉ bằng 50% giá thực.
Tình trạng này gây thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, buộc các quý sau phải tăng trưởng quanh 8%.
Về khó khăn của các DN, theo Bộ trưởng Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các DN đang rất khó khăn. Ông Dũng cũng đề cập đến hiện tượng "né tránh, đá bóng", nêu ví dụ như ở TPHCM, giai đoạn 2018 - 2021, TPHCM cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản, nhưng trong 2 năm qua, TPHCM chỉ cấp có 8 dự án. "Đây là vấn đề lớn nhất, cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm. Các thủ tục đầu tư hiện nay không làm, hoặc mất 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, DN không làm gì được", Bộ trưởng Dũng cảnh báo.
Lãi suất đã giảm, dù chưa được như mong muốn
Cũng tại hội nghị này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn của người đi vay và kỳ vọng DN thấu hiểu hơn với ngành ngân hàng. Bà Hồng bày tỏ, NHNN rất mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ DN và người dân, rất mong muốn giảm lãi suất và trên thực tế lãi suất đã giảm, dù chưa được như mong muốn.
"Chúng tôi rất muốn giảm lãi suất nhưng giảm mức độ như thế nào còn tùy thuộc vào cân đối vĩ mô”, Thống đốc nói. Có ý kiến cho rằng lạm phát đã giảm nên chúng ta có thể mở rộng chính sách tiền tệ, nhưng điều hành chính sách tiền tệ phải nhìn về phía trước. Mục tiêu lạm phát của Việt Nam là 4,5% trong khi lạm phát cơ bản hiện gần 5%.
"Chúng tôi vừa phải giảm lãi suất, vừa phải mở rộng tín dụng, vừa phải ổn định tỷ giá, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Mục tiêu nào cũng quan trọng", bà Hồng chia sẻ và nhấn mạnh giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, mà có nhiều mục tiêu khác phải cân đối.
Về ngân hàng thương mại, bà Hồng cho rằng ngân hàng có tình hình tài chính tốt có thể giảm lãi suất, nhưng những ngân hàng có tài chính không tốt sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh lãi suất.
Ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được khi khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Đây cũng là một trong các lý do khiến một số ngân hàng neo lãi suất cho vay dài hạn ở mức cao, để bù đắp rủi ro.
Thực tế từ đầu năm 2023 nhiều DN đã rơi vào xu hướng suy thoái. Tại cuộc gặp với lãnh đạo UBND TPHCM từ giữa tháng 02/2023, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, đã cảnh báo từ đầu năm 2023, hầu hết các DN ngành chế biến lương thực - thực phẩm dù vẫn duy trì tốt sản xuất nhưng biên lợi nhuận "cực kỳ thấp". Nguyên nhân là do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, các DN chưa thể nghĩ đến kinh doanh có lãi.
Cũng trong thời điểm này, Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) đã thực hiện khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh và đã có báo cáo với UBND TPHCM. Các khó khăn chủ yếu là: thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)... Qua đó cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn đang là khó khăn lớn nhất của các DN. Lãi suất cho vay cao, hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn rất lớn cho các DN (thực tế nhiều DN phải vay với lãi suất cao hơn 10%). Các DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%.
HUBA cho rằng NHNN cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3% là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.
Ngoài ra, HUBA cũng kiến nghị các chính sách gia hạn nợ vay, chính sách về trái phiếu, thuế, chính sách kích cầu đầu tư, cải cách hành chính... để hỗ trợ các DN.
Cần giảm lãi suất cho vay
Trước tình hình các DN khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp cần tăng tốc ngay. Đó là ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để DN có cơ hội phục hồi, tồn tại. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng, ngang bằng hoặc cao hơn lạm phát một ít. Hiện lãi suất cho vay của DN đang ăn mòn vào vốn.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN vùng Đông Nam Bộ ở TPHCM ngày 11/5, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM thừa nhận đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua nhưng chỉ mới dễ thở hơn, chứ chưa dám nói phục hồi hay phát triển.
Bà Chi cho rằng, dù NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiệt nhưng chưa nhiều, xoay quanh mức 10%/năm. Với mức lãi suất cao như vậy, theo bà Chi: "DN khó lòng tái sản xuất để phục hồi. Kéo lãi suất vay xuống là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của DN".
Lãi suất vay cao nhưng thực tế xin vay cũng không phải dễ. Với tình hình nhiều DN khó khăn như hiện nay, cần có chính sách linh hoạt chứ nếu vẫn giữ các điều kiện như cũ, DN rất khó tiếp cận vốn. Thậm chí hiện tượng các ngân hàng ép phải mua bảo hiểm mới được vay vốn vẫn tiếp diễn. Ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn vốn 40.000 tỷ đồng qua các ngân hàng thương mại cho các DN giải ngân rất khó khăn, đến nay chỉ mới được 250 tỷ đồng!
Cũng tại hội nghị này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dự báo kinh tế TPHCM tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức, DN thành lập mới gặp khó khăn, đầu tư gặp khó khăn trong và ngoài nước. "Các DN đều mong muốn lãi suất giảm xuống còn 7 - 8%/năm và mong có các giải pháp về vốn, tín dụng, kéo dài chính sách hỗ trợ DN trong việc giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn", ông Mãi phát biểu.
Đồng tình với ý kiến của ông Phan Văn Mãi, bà Lý Kim Chi mong muốn NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay: "Chúng tôi liên tục nghe tin ngân hàng báo lãi lớn trong khi các DN quá khó khăn". Bà Chi kỳ vọng các ngân hàng tiết giảm chi phí để san sẻ bớt gánh nặng với khách hàng và muốn NHNN giảm thêm lãi suất điều hành trong tháng này, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá đã hạ nhiệt. Bên cạnh đó, tiếp tục giãn và hoãn thuế cho DN; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở hơn.
Xem thêm: lmth.550741_peihgn-hnaod-uuc-ed-yav-ohc-taus-ial-maig/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc