Áp lực với mặt bằng lãi suất
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất.
Theo đó, lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại trung bình đang ở mức khoảng 9,3%/năm, đã giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức này được nhìn nhận vẫn còn khá cao.
Theo lý giải của của Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực tăng lãi suất để đối phó với lạm phát trên thế giới khiến lãi suất huy động trong nước cũng phải neo cao để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Trong khi đó, 88% vốn huy động ngân hàng là ngắn hạn, nhưng vẫn phải cho vay trung dài hạn.
Sự chênh lệch kỳ hạn đã tạo thêm sức ép khiến lãi suất khó giảm. Chưa kể các chi phí khác khi các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, có nghĩa là chưa thu được nợ nhưng vẫn phải trả lại cho người gửi tiền.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn phải vay với mức lãi suất cao đến 10%, hoặc thậm chí rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Vay ngân hàng với lãi suất từ 9 - 10%, nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ tiền để nhập cá tươi về sản xuất, có thời điểm phải tạm dừng sản xuất. Một vài tháng trở lại đây, họ quyết định chuyển hướng, làm cá tuyết sấy khô để xuất khẩu. Họ cần vốn để mở rộng nhà xưởng, đầu tư hệ thống máy móc mới. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện nay lại đang là quá sức.
"Lãi suất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành, hàng bán nội địa hay xuất khẩu thì giá thành đều bị đẩy lên cao. Khi giá thành bị đẩy lên cao, doanh thu sẽ hạn chế. Đó là khó khăn", ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sen 68, cho biết.
Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đang cần vốn cho các đơn hàng xuất khẩu nửa cuối năm, nhưng vẫn chưa thỏa thuận được một mức lãi suất hợp lý với ngân hàng.
"Dòng tiền đối với chúng tôi là rất khó khăn, vừa phải chuẩn bị đầu vào, vừa gặp đầu ra", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ.
97% doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, họ cho rằng mặt bằng lãi suất từ 9 - 10% vẫn là quá cao và là rào cản lớn nhất khiến họ không tiếp cận được nguồn vốn.
"Hiện các nhà sản xuất rất khó đạt mức lợi nhuận 10% nên để cho nền kinh tế chung, cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận được vốn và sử dụng được vốn có hiệu quả thì lãi suất nên ở mức 8% trở xuống", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, nói.
Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết, không vay được vốn, thiếu dòng tiền khiến không ít doanh nghiệp phải bán tài sản để xoay xở, hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Khơi thông dòng vốn tín dụng
Doanh nghiệp lo thiếu vốn, còn số tiền được ngân hàng cho vay ra vẫn khá khiêm tốn. Tính đến cuối tháng 4, tín dụng mới tăng trưởng khoảng 3,05%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2022. Nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn vẫn bị ách tắc.
Nhiều ngân hàng cho biết do ảnh hưởng của kinh tế, khiến đơn hàng giảm sút, làm giảm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, bản thân ngân hàng cũng phải chịu sức ép về bảo toàn vốn, tránh nợ xấu nên phải cẩn trọng trong cho vay.
"Khách hàng mới cũng phải đánh giá thấu đáo, hiểu khách hàng, phục vụ đúng nhu cầu, tránh việc cho vay ra không đúng mục đích, không kiểm soát được chất lượng", ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình ABBank, thông tin.
Thời gian qua, một số chính sách cũng được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, hay gói tín dụng 120.000 đồng cho bất động sản, nhưng tốc độ giải ngân còn khiêm tốn. Chuyên gia cho rằng, cần có các điều kiện thông thoáng hơn, hoặc có những giải pháp hỗ trợ vốn khác cho doanh nghiệp.
"Sau 2 năm đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt rất khó khăn đáp ứng điều kiện để tiếp cận vốn. Tất cả tài sản, nhất là bất động sản đều đi xuống, như vậy đánh giá lại tài sản bảo đảm tụt thì rõ ràng tụt dư nợ. Vì vậy, trong gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất thì nên chuyển thành 2 quỹ, một là quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp SME Việt Nam, xem xét bảo lãnh tín chấp, còn các nghị định và thông tư hiện tại vẫn đòi hỏi bảo lãnh có tài sản thế chấp thì người ta đi vay ngân hàng còn hơn cộng thêm 2% phí bảo lãnh", ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nêu ý kiến.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn vay. Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp mong muốn điều kiện cho vay linh hoạt hơn
Để gỡ nút thắt về tín dụng, bên cạnh lãi suất, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn các điều kiện cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi đang khát nguồn vốn, nhưng đất thì đi thuê, ngân hàng không cho đảm bảo bằng tài sản. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện nhưng chỉ ký hợp đồng cho thuê đất 5 năm một. Đó là điều kiện khó mà ngân hàng không làm tài sản đảm bảo", ông Nguyễn Gia Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hồng Thái, chia sẻ.
"Thay vì tài sản đảm bảo có thể dùng các hợp đồng đặt hàng của các công ty, tức là nghiêng về tín chấp nhiều hơn, như vậy có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn", ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nêu quan điểm.
Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, không vay được vốn, thiếu dòng tiền khiến không ít doanh nghiệp phải bán tài sản để xoay xở. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Giảm 0,3 - 0,5%/năm chỉ mang tính hình thức, giảm ở đây phải có ý nghĩa, 2 - 4% dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên huy động đầu vào của ngân hàng. Ngân hàng huy động cao nên phải cho vay cao, nhưng tôi nghĩ các ngân hàng nên tính toán lại để hài hòa", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, cho hay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phấn đấu giảm lãi suất. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới đã giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022, trong khi lãi suất cho vay phát sinh mới tương ứng giảm 0,65%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay, nhưng điều quan trọng là làm sao để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được các dòng vốn đó. Có như vậy, mới tiếp sức giúp doanh nghiệp, người dân, khôi phục sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
VTV.vn - Tính đến cuối tháng 4, tín dụng mới tăng trưởng khoảng 3,05%, chưa bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.27904720081503202-iad-uu-yav-nov-nac-peit-ohk-nav-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv