Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong quý I/2023, nợ công toàn cầu đã gần đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng tài chính thế giới sẽ xảy ra hỗn loạn nếu Mỹ thật sự vỡ nợ.
Cụ thể, báo cáo cho biết, nợ công toàn cầu đã tăng 8,3 nghìn tỷ USD, lên mức nợ 304,9 nghìn tỷ USD. Con số này đã gần chạm đến mức nợ kỷ lục 306,3 nghìn tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Tại các nền kinh tế mới nổi, tổng nợ công đã đạt mức kỷ lục 100,7 nghìn tỷ USD, tương đương 250% GDP của họ - tăng từ mức 75 nghìn tỷ USD vào năm 2019 (tăng 34%).
Đánh giá nhóm các nước phát triển, mức tăng nợ công rõ ràng nhất ghi nhận ở các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Anh. Còn trong các nền kinh tế mới nổi, mức tăng lớn nhất là ở Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc là quốc gia đang có tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng đáng kể – từ 273,2% vào cuối năm 2022 lên 281,8% trong quý I/2023.
Báo cáo của IIF cũng cho rằng lãi suất tăng và các chính sách thắt chặt tiền tệ khiến chi phí trả nợ tăng lên.
Trên toàn cầu, các nhà đầu tư cũng đang đặc biệt quan tâm đến kết quả của các cuộc đàm phán về trần nợ công ở Mỹ và liệu quốc gia này có ngăn chặn được tình huống vỡ nợ hay không?.
Nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận, chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ với con số khủng 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 1/6.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, sau Nhật Bản.
Tờ SCMP trích dẫn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 869,3 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.
Bên cạnh đó, ngoài những dự báo về ngày X (1/6) - thời điểm Mỹ có thể vỡ nợ thì một số chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng quốc gia này sẽ không bước vào tình cảnh đó.
Tham khảo SCMP