Liên quan đến vụ học sinh lớp 5 bị bắt nạt, bắt cởi đồ quay clip tung lên mạng, UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã có báo cáo về kết quả điều tra của công an xã phối hợp với nhà trường.
Theo đó, sự việc xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn giữa em T. (nạn nhân trong clip) và một nhóm học sinh cùng lớp 5D Trường tiểu học Mỹ Lương (Chương Mỹ).
Ngày 22-4, em T. đã đốt vở của M. ở gốc cây gần nhà Tr. (học cùng lớp) để đổ cho Tr.. Sau đó T. gặp Tr. và N. (học sinh lớp 5D) để xin lỗi. Nhưng N. đã tát T. và không cho xin lỗi.
Ngày 29-4, một nhóm học sinh lớp 5D, trong đó có N., đã hẹn T. tại sân Nhà văn hóa thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương để đồng ý cho T. xin lỗi. Tại đây T. đã nói với các bạn: "Tớ cởi đồ ra thì các bạn tha lỗi cho tớ", sau đó em T. tự cởi áo của mình và một học sinh đã dùng điện thoại quay clip. Ngày 15-5, đoạn clip này được phát tán trên Facebook và bị thu hồi cùng ngày.
Trước khi clip bị phát tán, ngày 12-5, nhà trường đã mời phụ huynh của ba học sinh có liên quan tới buổi gặp mặt nêu trên. Cha mẹ những học sinh này đã nhận trách nhiệm, xin gặp gia đình em T. để xin lỗi. Tại buổi gặp gia đình, bố của T. đã đồng ý tha lỗi cho các học sinh trên.
Ban giám hiệu Trường tiểu học Mỹ Lương cũng yêu cầu bốn học sinh (gồm cả em T.) làm bản tường trình và xem xét xử lý vi phạm. Trường cũng kiểm điểm giáo viên chủ nhiệm vì đã không sát sao để sự việc đi quá xa.
UBND huyện Chương Mỹ đang tiếp tục yêu cầu công an huyện xác minh người phát tán clip trên Facebook để có biện pháp xử lý.
Không thể xem nhẹ
Mặc dù theo báo cáo điều tra, em T. có lỗi trước và đã tự cởi đồ chứ không bị bắt ép, nhưng hành động của em xuất phát từ việc em sợ hãi vì mắc lỗi và chịu áp lực từ phía các bạn. Có thể thấy, việc làm của nhóm học sinh đã dẫn đến hậu quả. Như gia đình cho biết, em T. có dấu hiệu hoảng loạn tâm lý sau khi sự việc xảy ra.
Và khi sự việc được điều tra, xử lý, rất có thể sẽ có những hiệu ứng tiêu cực ảnh hưởng đến cả nhóm học sinh này. Vì thế không thể vì "học sinh tự cởi đồ", không do bị ép buộc mà có thể xem nhẹ sự việc.
Cách xử lý tiếp theo của nhà trường và các gia đình học sinh cần phải chú ý để tránh tổn thương thêm cho những người trong cuộc, giúp các em hiểu được đúng, sai.
TTO - Kết quả khảo sát cho thấy có 31% học sinh ở TP.HCM bị căng thẳng, stress, 30% học sinh từng bị xâm hại trên môi trường mạng, 24,6% học sinh bị bắt nạt, hiếp đáp.
Xem thêm: mth.5833312181503202-pe-nab-iahp-gnohk-uhc-iol-aht-nix-od-ioc-ut-5-pol-hnis-coh/nv.ertiout