"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam với quần đảo này", Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh trong họp báo chiều 18-5.
Hôm 30-4, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Trung Quốc mở nhà hàng lẩu ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhà hàng có tên Kuanzhai Xiangzi, sức chứa 120 thực khách cùng lúc và đã mở cửa đón khách từ cuối tháng 4.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" vào năm 2012. Đơn vị hành chính phi pháp này có chức năng quản lý cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là Tam Sa vào năm 2012, trên đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 người Trung Quốc sinh sống phi pháp.
Kể từ đó, Trung Quốc đã nâng cấp trái phép các cơ sở vật chất để phục vụ dân số của "thành phố Tam Sa". Tính đến năm 2020, số người Trung Quốc ở đơn vị hành chính phi pháp này đã tăng lên tới 2.300 người, không kể quân nhân, theo SCMP.
Trung Quốc đã mở một sân bay dân - quân sự phi pháp trên đảo Phú Lâm vào năm 2014. Đến năm sau thì mở trường mẫu giáo, tiểu học và dạy nghề. Bắc Kinh cũng đã ngang nhiên mở rạp chiếu phim, ngân hàng, bệnh viện, bưu điện và sân vận động ở "Tam Sa".
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các động thái trái phép của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh các nước cần "nói đi đôi với làm" trên Biển Đông, biến cam kết chính trị thành hành động cụ thể và phù hợp trên thực địa.
Xem thêm: mth.31671556181503202-as-gnaoh-o-ual-gnah-ahn-om-couq-gnurt-iod-nahp-man-teiv/nv.ertiout