Ban Quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Phạm vi thi công thử nghiệm có chiều dài khoảng 240m tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, thuộc dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau (cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau).
Phạm vi thi công thử nghiệm đắp cát biển có chiều dài khoảng 240m tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo đó, BQL dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), cho biết giải pháp thí điểm tại đoạn này là đắp nền K95 sử dụng nguyên cát biển, mái ta luy sử dụng đất dính thông thường, bên dưới trải một lớp vải địa kỹ thuật ngăn cách, nhằm đánh giá khả năng thay thế cát sông mà không cần giải pháp đặc biệt nào.
Cạnh đó, để đánh giá được tính ổn định nền, khả năng sử dụng cát biển cho các loại quy mô đường cấp thấp đến cấp cao nên thay đổi độ dốc mái ta luy nền đắp thử nghiệm là 1/1,5 và 1/2. Theo BQL dự án Mỹ Thuận, trước đó, đơn vị dự kiến lấy nguồn cát biển ở Sóc Trăng để thi công thí điểm.
Tuy nhiên, địa phương này không chấp thuận và yêu cầu chờ đến khi Bộ TN&MT hoàn thành dự án mà Bộ này đang lấy ý kiến. Do đó, cát biển triển khai đắp thử nghiệm được lấy ở khu vực biển thuộc tỉnh Trà Vinh. So sánh cát biển tại Trà Vinh và Sóc Trăng, cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định, dù có một số sai khác nhau nhỏ.
Kết quả kiểm định chất lượng vật liệu và quan trắc thi công, bao gồm: thí nghiệm mẫu cát; lắp đặt và quan trắc trắc lún, chuyển vị ngang... cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của cát biển lấy mẫu đều đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền đường theo tiêu chuẩn quốc gia về nền đường ô tô.
Xe ô tô đã có thể lưu thông trên nền cát biển sau hơn bốn tháng khởi công. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo đánh giá của chủ đầu tư, đoạn thử nghiệm đắp cát biển là đoạn tuyến đầu tiên của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, quy mô đường cấp IV đồng bằng, mặt đường hai làn xe, nền đường rộng 9m. Chỉ sau hơn bốn tháng khởi công, xe ô tô đã có thể lưu thông trên nền cát.
Từ kết quả sơ bộ công tác triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường BQL dự án Mỹ thuận kiến nghị Bộ GTVT xem xét mời các Bộ liên quan, như: Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng... cùng tham gia quá trình thi công, theo dõi và đánh giá nghiên cứu thí điểm cát biển.
Tỉnh Trà Vinh đã được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với trữ lượng 1,05 triệu m3, có thể khai thác ngay để phục vụ thi công thí điểm.