Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi cụm tháp Chăm Khương Mỹ theo đơn vị thi công thì không tu bổ, hoàn thiện chi tiết chạm khắc, hoa văn trên bề mặt tháp, nhưng thông báo kết quả kiểm tra nghiệm thu thì lại có.
Tháng 10-2019, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc cụm tháp Chăm Khương Mỹ (huyện Núi Thành, Quảng Nam, là di tích quốc gia) được triển khai.
Dự án có tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam làm chủ đầu tư, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng thi công đến cuối năm 2022 thì hoàn thành.
Điều khiến mọi người băn khoăn là sau khi được trùng tu, trên các tường gạch mới không còn các chi tiết chạm khắc, soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp.
Theo ghi nhận, những phần tường gạch mới được trùng tu ở cụm tháp Bắc và Giữa không có chi tiết chạm khắc, soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp.
Còn phần tường cũ vẫn còn giữ được những họa tiết chạm khắc, hoa văn.
Theo thông tin ông Phạm Hồng Trường - trưởng phòng tu bổ, Trung tâm Triển khai công nghệ xây dựng miền Trung, thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng (đơn vị thi công) - cung cấp, trong phương án tu bổ lại không có hạng mục hoàn thiện chi tiết hoa văn.
Cụ thể trong phương án là phục hồi khối xây hư hỏng bằng phương pháp mài chập từ cote +8.810 trở xuống, phần thân tháp xử lý rêu mốc.
Tu bổ phục hồi cửa hướng đông, gia cố các khối gạch có nguy cơ bị đổ, phục hồi các khối xây chân, thân tháp bị mất do mủn mục, không hoàn thiện chi tiết hoa văn.
Bên cạnh đó phục hồi nền gạch phục chế trong lòng tháp, bậc cấp hướng đông, xử lý các viên gạch hư hại ở tường lòng tháp...
Việc phục hồi các hoa văn cũ, ông Trường cho hay không thể phục hồi khi không có đủ căn cứ chân xác.
Tuy nhiên theo thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình này của Sở Xây dựng Quảng Nam vào tháng 12-2022, trong phần quy mô phê duyệt dự án thì lại có phần tu bổ các chi tiết chạm khắc: soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam (đơn vị chủ đầu tư) sẽ kiểm tra lại thông tin này.
Trước khi dự án trùng tu triển khai, Cục Di sản văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam có ý kiến thỏa thuận nội dung bảo tồn tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa.
Cụ thể vệ sinh khoa học bề mặt tháp, xử lý khe nứt, gia cường bề mặt khối xây, bảo quản chống ăn mòn khối xây, tu bổ, phục hồi khối xây (không phục hồi hoa văn), chống mối nền, lát nền trong tháp bằng gạch Chăm phục chế.
Tuy nhiên sở cần hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung giải pháp bảo vệ nguyên vẹn phần hoa văn hiện có tại phần vỏ gạch. Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng hồ sơ phương án thiết kế dự án trùng tu.
Trước đó, khu vực hai tháp Bắc và Giữa, nhiều mảng gạch tường vừa được trùng tu loang lổ màu trắng, bị muối hóa. Đơn vị thi công đã vệ sinh bề mặt gạch, lấy mẫu gạch kiểm tra hàm lượng muối.
TTO - Tỉnh Bình Định quyết định sử dụng ngân sách gần 94 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo cụm tháp Dương Long, tháp Chăm được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.