Đã đưa vào sử dụng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội
Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp, với tới tốc độ tăng trưởng dân số cơ học ở mức cao. Chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp được tỉnh quan tâm.
Tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến năm 2020, tỉnh đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài như dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…
Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.
Quy định phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án không cho thuê được dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn gây lãng phí xã hội và giảm thu hút đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội để cho thuê.
Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Bình Dương cho rằng, Bộ Xây dựng cần ban hành quy trình mẫu, đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội để nhà đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận..
Có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư nhà ở xã hội, tăng mức lợi nhuận, hỗ trợ hơn nữa về vốn, lãi suất, thuế VAT… để khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn cùng chính quyền xây dựng thành công đề án. Cho phép các doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Đặc biệt, không bố trí đan xen quỹ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại mà quy định đối tượng, quy mô phải nộp một quỹ nhà ở xã hội bằng tiền và cho phép UBND các địa phương bố trí quỹ đất tương ứng, đảm bảo nhà ở xã hội trong khu vực, góp phần đảm bảo đảm quy hoạch, chăm lo tốt hơn cho đối tượng hưởng chính sách.
Bố trí quỹ đất
Dựa vào kết quả khảo sát dự báo nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân đến năm 2025 và 2030, tỉnh Bình Dương cho biết tổng số đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội là 129.212 người, tương đương 129.212 căn.
Theo dự thảo Đề án cả giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương dự kiến đầu tư khoảng 174.327 căn nhà ở xã hội (169.154 căn chung cư và 5.173 nhà liên kế, trong đó số căn cho thuê khoảng 34.865 căn). Tổng diện tích đất khoảng 655,1 ha, diện tích sàn xây dựng ước đạt 9.643.143 m2, đáp ứng cho khoảng 678.302 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 86.408 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ bố trí khoảng 166 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 42.198 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 2.358.900 m2, đáp ứng cho khoảng 159.582 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 21.020 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030 dự kiến sẽ bố trí khoảng 489 ha diện tích đất, đầu tư hoàn thành khoảng 132.129 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 7.284.243 m2, đáp ứng cho khoảng 518.720 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 65.388 tỷ đồng.
Về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Bình Dương cho biết, thứ nhất, bố trí quỹ đất do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý tại 22 khu vực với khoảng 173 ha dự kiến sẽ đầu tư khoảng 19.731 căn, tương đương 1.705.270 m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 133.000 người với tổng mức đầu tư khoảng 15.457 tỷ đồng, để đưa vào quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thứ hai, quỹ đất có sẵn do các nhà đầu tư có văn bản đề xuất 17 khu 214 ha xây dựng khoảng 62.932 căn, tương đương 3.467.293 m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 240.790 người với tổng mức đầu tư khoảng 31.428 tỷ đồng.
Thứ ba, hiện nay các dự án nhà ở thương mại của chủ đầu tư có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2021 có tổng số 32 dự án diện tích đất khoảng 85 ha, dự kiến đầu tư khoảng 24.164 căn, tương đương 1,92 triệu m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 102.147 người với tổng mức đầu tư khoảng 16.438 tỷ đồng.
Thứ tư, quỹ đất chuyển đổi công năng trên các địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và thị xã Bến Cát để phát triển nhà ở xã hội. Sử dụng một phần quỹ đất sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phải chuyển đổi công năng theo lộ trình để đầu tư phát triển nhà ở xã hội 48 khu khoảng 267 ha (khoảng 67.500 căn, tương đương 3.374.990 m2 sàn xây dựng, dân số khoảng 266.951 người) với tổng mức đầu tư khoảng 30.591 tỷ đồng.
Thứ năm, quỹ đất di dời các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An còn khoảng 12 Khu, Cụm công nghiệp (8 khu, 04 cụm công nghiệp) dự kiến theo định hướng sẽ di dời trong giai đoạn sau 2030 để dành đất phát triển đô thị với tổng diện tích đất là 778 ha. Trong đó, dự kiến sẽ bố trí khoảng 10% đất để xây dựng nhà ở xã hội tương đương 78 ha, xây dựng khoảng 19.158 căn hộ, tương đương 957.896 m2 sàn xây dựng, giải quyết chỗ ở cho 76.632 người với tổng mức đầu tư khoảng 8.683 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Dương cho biết, quy hoạch quỹ đất gần (cạnh) các cụm công nghiệp, khu công nghiệp giai đoạn trong giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050 và quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trong các khu vực phát triển đô thị.
Xem thêm: lmth.618123tsop-ioh-ax-o-ahn-nac-000471-noh-ut-uad-neik-ud-gnoud-hnib/nv.naohkgnuhchnahnnit.www