Theo Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong quý 1-2023, có 14/21 công ty xổ số kiến thiết trong khu vực bán được 100% vé phát hành như Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh, An Giang...
Tuy nhiên, để có được tỉ lệ tiêu thụ vé số này, nhiều người bán số dạo, đại lý cấp 2 trở thành khách hàng bất đắc dĩ, phải "ôm" vé số ế chứ không thể trả lại.
Nước mắt của khách hàng bất đắc dĩ!
Khoảng 14h chiều, dòng người trên quốc lộ 62 (tỉnh Long An) hối hả hơn vì những đám mây đen kéo đến mỗi lúc một nhiều.
Ngồi bên lề đường, cô bé Nguyễn Thị Yến Nhi nước mắt giàn giụa cố mời chào thật lớn để bán những tờ vé số còn lại. Mới 11 tuổi nhưng Yến Nhi (quê Long An) đã có thâm niên bán vé số hơn 5 năm.
Mỗi ngày Yến Nhi lấy khoảng 150 tờ vé số, bán hết khi nào thì nghỉ khi đó. Nếu muốn trả, phải trả trước 12h cho người bỏ mối vé số, sau giờ đó là phải ôm.
Đây cũng là lý do khiến cô bé nước mắt giàn giụa mời chào người đi đường mua vé số giúp vì dù gần đến giờ vé số xổ rồi nhưng cô bé vẫn còn khoảng 80 tờ chưa bán được.
Và nếu trời đổ mưa, việc bán hết những tấm vé này càng khó hơn, chưa kể nguy cơ vé bị ướt và nhàu nát cũng không bán được.
"Thỉnh thoảng con cũng bị ôm vé nhưng bữa nay con còn nhiều quá! Chú thương tình mua giùm con mấy tờ", Yến Nhi vừa nói vừa chìa xấp vé số trước mặt chúng tôi.
Sau hơn một tiếng đồng hồ nỗ lực mời chào, được nhiều người đi đường thương tình mua giúp, nhưng Yến Nhi vẫn phải ôm năm tờ vé số ế rồi tranh thủ về nhà nấu cơm chờ bà ngoại (cũng bán vé số) về cùng ăn.
Nếu hai người bán hết 300 tờ/ngày, hai bà cháu có thể kiếm được 300.000 đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều ngày hai bà cháu trở thành khách mua vé số bất đắc dĩ do theo quy định mới đây từ người bỏ mối vé số, sau 12h sẽ không được trả vé nữa.
"Quá thời gian này, kiểu gì cũng phải cố mà bán, nếu không sẽ phải ôm những tấm vé còn lại", bà Sáu Mùi, bà ngoại của Yến Nhi, nói.
Mỗi ngày đạp xe không dưới 10km ngược xuôi để bán vé số dạo, chị Trần Thị Nương (phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết ngày càng có nhiều người cùng đi bán nên chị phải "cày" gần suốt ngày mới bán hết 200 tờ.
Để có tiền nuôi gia đình, lo cho hai con đang tuổi ăn học, chị Nương đành phải đi bán vé số dạo, kiếm lời 1.000 đồng/tờ. Hôm nào bán hết sớm, chị Nương lời 200.000 đồng, được về sớm, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho con và cha mẹ già.
"Trước đây, khoảng 15h mỗi ngày, mình được trả lại vé số bán thừa. Còn bây giờ thì không, bán không hết phải "ôm". Ngày nào bán ế, "ôm" 15 tờ coi như chỉ còn lời 50.000 đồng. Chiều xổ, không trúng, vài ngày sẽ cụt vốn như chơi.
Do vậy, gần tới giờ xổ mà vé số còn nhiều, tui phải chạy đôn chạy đáo năn nỉ mọi người. Bí quá tìm người thân mua giúp, nhưng họ không thể mua giúp mình suốt đời", chị Nương trải lòng.
Chấp nhận "luật ngầm" để có vé
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Văn Đình Trung Hiếu - chủ đại lý vé số Đức Thịnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ - cho biết không có quy định nào buộc người bán vé số dạo và đại lý không được trả vé số ế.
Nhưng trên thực tế có "quy định ngầm" là nếu đại lý nào trả vé sẽ bị công ty cắt vé chuyển cho đại lý khác. "Do vậy, nếu bán không hết và trả lại cho đại lý cấp 2, người bán số dạo sẽ bị cắt số lượng vé. Đại lý cấp 2 cũng không dám trả lại đại lý cấp 1 nếu không muốn giảm số lượng vé", anh Hiếu tiết lộ.
Và trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người bán dạo và đại lý "thà mất tiền chứ không để mất vé số". Ông Nguyễn Thanh Lâm - có tủ bán vé số tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp - cho biết do đại lý không cho trả lại vé ế nên ông cũng không cho người bán dạo trả lại.
Mỗi ngày ông vừa bán lẻ vừa giao cho người bán dạo 1.200 tờ, nhưng do những người bán dạo không có tiền mặt để lấy vé số bán nên ông phải "gối đầu" cho họ 150 - 200 tờ/người.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một đại lý vé số cấp 1 cho biết theo công văn của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, công ty xổ số kiến thiết không được ép đại lý phải bán hết và phải nhận lại số vé chưa bán hết.
Tuy nhiên, không đại lý nào dám trả lại nên phải tự xử lý vì nếu trả vé lại có thể bị cắt vé, cắt chế độ... của công ty đối với đại lý cấp 1.
"Do đó đại lý cấp 1 sẽ yêu cầu đại lý cấp 2 nhận và bán vé số theo khả năng của họ, tương tự đại lý cấp 2 sẽ yêu cầu người bán vé số dạo như vậy", ông này nói.
Trong khi đó, theo một số người bán vé số dạo, vé số được công ty xổ số giao cho các đại lý cấp 1, rồi vé được giao xuống các đại lý cấp 2.
Có thể nói, việc phân phối vé số hoàn toàn nằm trong tay các đại lý và để lấy được vé số trực tiếp từ các đại lý này không phải dễ dàng.
Một ngày giữa tháng 5, theo chân anh Hồ Văn Sĩ, chúng tôi đến hai đại lý vé số cấp 2 trên đường Lý Thường Kiệt (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) để lấy vé số bán nhưng cả hai đều bị từ chối với lý do đã đủ người bán rồi, không bỏ thêm cho người mới.
"Hổm rày tôi đã rảo thử đến rất nhiều đại lý vé số trên địa bàn Mỹ Tho rồi nhưng hầu như không đại lý nào cho nhận vé số trực tiếp. Tôi chỉ có thể lấy vé số qua trung gian nhưng chiết khấu thường rất thấp, có thể dưới 1.000 đồng/tờ", anh Sĩ nói.
Chi hàng trăm triệu đồng mua vé số... cầu may!
Ngoài lý do người bán vé số dạo và đại lý phải ôm toàn bộ số vé theo luật "ngầm" như đã nêu, theo các đại lý, doanh thu và lợi nhuận của các công ty xổ số kiến thiết miền Nam đạt con số "khủng" còn do thói quen chơi vé số của người miền Nam.
Và theo anh Hải, một đại lý vé số cấp 2 tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), do làm ăn ngày càng khó khăn, nhiều người bỏ tiền ra mua vé số để cầu may, hy vọng đổi đời.
Anh Nguyễn An Tính (TP Sóc Trăng) cho biết đã chơi vé số hơn 10 năm nay, ngày nào cũng mua năm tờ, với tổng số tiền hơn 182 triệu đồng, nhưng chỉ trúng lô số đầu được vài ba lần.
"Tôi là công chức, đồng lương ít ỏi, có tiết kiệm cỡ nào cũng không mua được căn nhà để ở. Do vậy chỉ biết cầu may vào tấm vé số, biết đâu hên trúng đặc biệt, tậu được căn nhà", anh Tính nói.
Tuy nhiên, nhiều người phải mua vé số trong tình thế bị ép buộc. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), do công việc nên hay hẹn gặp khách hàng tại quán cà phê để trao đổi.
"Nhưng ngồi chưa nóng chỗ, có từ 5 - 10 người đến mời mua vé số. Dù đã từ chối nhưng bị năn nỉ hoài, tôi không thể nói chuyện với khách được nên phải mua vài tờ, chủ yếu để tránh bị phiền nhiễu", chị Lan nói.
Các công ty xổ số đạt lợi nhuận khủng
Trong khi người bán vé số khổ sở với luật "ngầm" để kiếm từng đồng, các công ty xổ số đạt lợi nhuận khủng. Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong tháng đầu năm 2023, doanh thu của 21 công ty xổ số khu vực miền Nam đạt 35.134 tỉ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ chi phí trả thưởng (17.197 tỉ đồng), phát hành (6.026 tỉ đồng) và nộp ngân sách 12.343 tỉ đồng... các công ty xổ số lợi nhuận trước thuế 4.485 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ.
Trong những khoản lợi nhuận khủng này, chắc chắn sẽ có một phần đóng góp của những người bán vé số lẻ khi trở thành "khách hàng bất đắc dĩ" như bé Yến Nhi, như chị Hạnh...
Hoa hồng vào tay các đại lý
Với người bán vé số, việc quen thân với đại lý sẽ có thêm nhiều cơ hội lấy vé, bởi ngày càng có nhiều người mất việc từ các thành phố lớn trở về quê và chuyển sang nghề bán vé số dạo!
Anh Khang, một người dân ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết đã phải lặn lội lên Long An để lấy vé số, sau khi được một người bạn giới thiệu với một đại lý quen. "Không dễ gì có vé mà bán đâu. Tui đi khắp lượt dưới Mỹ Tho hỏi thăm nhưng đại lý nào cũng lắc đầu nên mới phải lên đây", anh kể.
Theo anh Khang, giá vé số lấy từ đại lý cũng không cố định mà tùy thuộc vào... số đẹp, số xấu. Với những cặp vé có số đẹp, người bán vé số dạo phải mua của đại lý với giá 9.300 - 9.400 đồng/vé, chỉ còn lời được 600 - 700 đồng/vé, nhưng bù lại là bán hết nhanh. Với những cặp vé có số không đẹp, có khi đại lý chỉ lấy 9.000 đồng/vé.
"Vé số từ công ty xổ số đến tay người bán đôi khi phải qua 2 - 3 chặng phân phối. Các đại lý nhận mức hoa hồng khác nhau tùy vào mức doanh thu, số lượng vé bán được...", anh Minh, chủ một đại lý vé số cấp 2 ở TP Tân An, Long An, nói.
Chẳng hạn, một đại lý cấp 1 lấy vé trực tiếp từ công ty xổ số, nếu đáp ứng được các tiêu chí như bán khoảng 10.000 vé mỗi ngày, tỉ lệ bán vé gần như 100%..., có thể nhận được mức chiết khấu từ 15%, tức là nhận từ công ty với giá khoảng 8.000 - 8.200 đồng/vé.
Số vé này được phân phối lại cho đại lý cấp 2 với giá khoảng 8.500 - 8.700 đồng/vé để phân phối cho người bán dạo. Do lượng người bán vé số ngày càng nhiều, các đại lý cấp 2 có thể sẽ "làm giá", giảm hoa hồng cho người bán vé số xuống để tăng thêm lợi nhuận.
K.TÂM - S.LÂM - L.DÂN
Phần lớn người bán vé số dạo có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu, các công ty xổ số kiến thiết cần có thêm chính sách đãi ngộ với họ, như bảo hiểm y tế miễn phí, tăng phần trăm hoa hồng..., bạn đọc Tuổi Trẻ Online đề xuất.
Xem thêm: mth.43621818042503202-magn-taul-iov-ohk-os-ev-nab-iougn/nv.ertiout