*Bài viết thể hiện quan điểm của bà Anne O. Krueger, nhà cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cựu phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và là Giáo sư Nghiên cứu về Kinh tế Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.
Thời gian đầy đây, khắp các mặt báo là tiêu đề cảnh báo một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Mỹ đang mấp mé trên bờ vực vỡ nợ do chính mình gây ra. Ai Cập, Ghana, Pakistan và nhiều quốc gia khác gặp khó khăn về tài chính. Gánh nặng nợ của Italy và Nhật Bản đang đè ngày một sâu.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính 41 quốc gia đang mắc nợ lớn, không bao gồm các quốc gia có thu nhập trung bình như Argentina, Pakistan và Sri Lanka.
Nhưng vấn đề ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Mỹ có khả năng thanh toán các khoản nợ của mình và là một người đi vay uy tín trong nhiều năm. Vậy câu hỏi đặt ra là các quốc gia kém phát triển hơn liệu có thể trả nợ hay không hoặc trả được bao nhiêu?
Các quốc gia mắc nợ có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những nước có tình hình kinh tế ổn định. Đến khi dịch bệnh bùng phát, họ buộc phải đi vay để chi tiêu các vấn đề liên quan đến đại dịch. Các tổ chức tài chính quốc tế đã tạo điều kiện cho họ vay và duy trì cho đến khi nền kinh tế của các nước này hồi phục.
Nhóm còn lại là những nước vốn đã có khoản nợ lớn và tiếp tục gia tăng trước đại dịch. Phần lớn là do đầu tư vào các dự án có tỷ lệ hoàn vốn thấp hoặc âm. Vì mắc nợ để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và hàng hoá thiết yếu, họ không còn khả năng chi cho nhập khẩu trong thời kỳ khủng hoảng, dẫn đến các nhà máy đóng cửa và hoạt động kinh tế sụt giảm.
Với những trường hợp này, IMF làm việc với chính phủ để xây dựng các chính sách giúp đất nước khôi phục tăng trưởng và khả năng trả nợ. Một số nhà quan sát cũng kêu gọi giảm nợ và cung cấp quỹ mới mà không yêu cầu sửa đổi chính sách. Nhưng họ đã không nhận ra rằng đây có thể là một hành động “ném tiền qua cửa sổ”, khi tiếp tục cung tiền cho những hoạt động đầu tư kém hiệu quả của các quốc gia này.
Đôi khi, IMF có thể giúp một quốc gia đạt được tăng trưởng và có tiền để trả nợ. Nhưng trong những trường hợp khác, khoản nợ đã trở nên lớn đến mức không trông mong gì đất nước này tiếp tục trả nợ đầy đủ.
Để giải quyết vấn đề này, các quan chức chính phủ của các quốc gia chủ nợ sẽ gặp nhau và thống nhất về các điều khoản tái cơ cấu nợ, có thể bao gồm việc giảm giá trị khoản nợ, gia hạn trả nợ gốc hoặc thậm chí là thời gian ân hạn.
Tham khảo Project Syndicate
Xem thêm: nhc.886341421525032881-gnal-ol-iahp-nac-oan-ihk-gnat-aig-cut-neil-uac-naot-on/nv.fefac