Thú vui mới của những trader chuyên đi tìm cổ phiếu meme
Đầu năm 2021, trên thị trường chứng khoán Mỹ nổi lên hiện tượng “cổ phiếu meme” – nhóm những cổ phiếu có giá biến động rất mạnh chỉ vì những câu chuyện lan truyền rộng rãi trên Internet.
Thông thường, thị giá của chúng sẽ không liên quan gì đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp cổ phiếu của công ty sắp phá sản lại tăng vọt vài trăm, thậm chí vài nghìn phần trăm.
Đến năm 2023, cổ phiếu của nhiều ngân hàng Mỹ lại đang trở thành cổ phiếu meme.
Kể từ tháng 3, các ngân hàng như PacWest đã chứng kiến cổ phiếu biến động rất mạnh. Những tin dữ như tiền gửi sụt giảm sẽ khiến cổ phiếu lao dốc. Còn những tin tốt như được chính phủ hỗ trợ sẽ giúp cổ phiếu tăng vọt.
Sự trồi sụt càng nhân lên gấp bội sau khi được tiếp sức bởi những động lực đã “thắp sáng” các cổ phiếu GameStop và AMC 2 năm trước: những thông tin (cả sự thật và tin đồn) lây lan chóng mặt trên mạng xã hội, sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và những hợp đồng quyền chọn càng khiến giá biến động mạnh hơn.
Trong tháng 5, một lượng kỷ lục các cổ phiếu ngân hàng khu vực (regional bank) đã được sang tay, đi kèm với đó là khối lượng hợp đồng quyền chọn bùng nổ. Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều định chế lớn ở phố Wall cũng tham gia.
Trên mạng xã hội tràn ngập những thuyết âm mưu về “ngày tận thế” của ngân hàng nào đó được dự đoán là quân domino sẽ ngã xuống tiếp theo. Nhưng cũng có không ít người tranh thủ gom cổ phiếu ngân hàng vì dự đoán giá sẽ sớm tăng vọt. Kết quả là, thị trường chuyển từ trạng thái bình yên sang “giông bão” và hỗn loạn nhanh chưa từng thấy.
“Những quân cờ sẽ tiếp tục đổ xuống khi trọng lực kéo sập thêm nhiều ngân hàng”, một người dùng viết trên mạng xã hội vào ngày cổ phiếu PacWest Bank giảm 11%.
Tháng 3 là bước ngoặt đối với các cổ phiếu ngân hàng Mỹ. Trước đó, nhà đầu tư cá nhân hầu như không ai quan tâm đến các ngân hàng khu vực. So sánh với GameStop, AMC hay Tesla, chúng quá nhàm chán.
Cổ phiếu lên xuống thất thường chắc chắn là điều không tốt đối với bất kỳ công ty nào. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng - nơi niềm tin là thứ rất rất quan trọng – thì có thể gọi đó là điểm yếu chết người. Mặc dù giá cổ phiếu lao dốc không ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng, hiện tượng này lại khiến người gửi ồ ạt đi rút tiền và khiến dòng tiền của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các tác động kinh tế còn nghiêm trọng hơn thế. GameStop bán videogame. Sản phẩm của các ngân hàng là các khoản vay dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Vì lý do đó, một số người trong ngành ngân hàng đã kiến nghị cơ quan quản lý ban hành quy định cấm bán khống cổ phiếu tài chính.
Karsan là 1 nhà đầu tư chuyên đi tìm kiếm cơ hội từ biến động, nghĩa là anh đặt cược vào các cổ phiếu mà hoàn toàn không dựa vào các yếu tố cơ bản. Thay vào đó, anh tìm kiếm lợi nhuận từ sự trồi sụt của thị trường. Tháng này, Karsan bắt đầu mua vào các hợp đồng quyền chọn mà sẽ mang lại lợi nhuận nếu như các cổ phiếu ngân hàng khu vực tiếp tục biến động “như tàu lượn”.
Nỗi khiếp sợ của các ngân hàng
Các nhà đầu tư như Karsan đang trở thành nỗi khiếp sợ của các giám đốc ngân hàng. Họ thực sự lo ngại cổ phiếu giảm giá sẽ khiến những khách hàng ngoài đời thực sợ hãi.
Ví dụ như tại Western Alliance, 1 ngân hàng cỡ trung khác đã có cổ phiếu giảm 47% chỉ trong 1 ngày ngay sau khi SVB sụp đổ, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch năm 2005. Điều này ngay lập tức khiến nhiều khách hàng quyết định rút tiền gửi.
CFO Dale Gibbons cho biết khi tiền gửi bắt đầu giảm, Western Alliance đã giảm bớt cho vay và tổ chức gặp mặt khách hàng để trấn an họ về tình hình tài chính của ngân hàng. “Không thể coi giá cổ phiếu là 1 chỉ báo tin cậy về sức khỏe của 1 định chế tài chính”, ông nói.
Trong trường hợp của SVB, lãi suất tăng khiến ngân hàng có hàng tỷ USD lỗ chưa thực hiện tính đến cuối năm ngoái. Sau khi khách hàng rút tới 42 tỷ USD chỉ trong 1 ngày, các nhà quản lý đã buộc ngân hàng phải đóng cửa. Khi điều trần trước Quốc hội tuần trước, cựu CEO Greg Becker đã đổ lỗi cho mạng xã hội.
Trở lại khủng hoảng tài chính 2008, chúng ta có một bức tranh hoàn toàn khác. Khi đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ và mạng xã hội cũng đã tồn tại. Nhưng tầm ảnh hưởng của họ lên thị trường kém xa so với thời điểm hiện tại. Twitter còn rất non trẻ. Diễn đàn WallStreetBets thậm chí chưa ra đời.
Mọi người hiếm khi mua bán cổ phiếu trên điện thoại, và không giống như ngày nay, họ phải trả vài USD cho mỗi lần giao dịch. Những “ngóc ngách” siêu phức tạp của thị trường như hợp đồng quyền chọn gần như nằm ngoài tầm với của các nhà đầu tư nghiệp dư.
Sau những tháng sóng gió vừa qua, những cú lên xuống thất thường của các cổ phiếu ngân hàng giờ đã trở thành điều quá đỗi quen thuộc với các nhà đầu tư. “Khi tôi mới bước chân vào nghề cách đây 20 năm, mức biến động 3-5% cũng sẽ khiến mọi người phải chú ý. Còn giờ thì thậm chí con số 20% cũng chẳng khiến ai bạn tâm”, R.J. Grant, chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Keefe, Bruyette & Woods, nói.
Tham khảo Wall Street Journal