Cần mạnh tay với các tài khoản không chính chủ
Theo đề xuất của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC - Công an TPHCM, NHNN Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh (gọi chung là các ngân hàng)... và tổ chức trung gian thanh toán nâng cao hiệu quả phối hợp để phát hiện sớm các dấu hiệu tội phạm, đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra từ giai đoạn xác minh ban đầu. Cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức đến khách hàng (qua email, tin nhắn SMS, gắn bảng cảnh báo tại nơi giao dịch, nhân viên ngân hàng tư vấn trực tiếp...). Nghiên cứu, sửa đổi quy trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng, tài khoản trung gian thanh toán, không để xảy ra tình trạng tồn tại các tài khoản không chính chủ, tài khoản giả..., nhằm tránh tình trạng tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần bổ sung thêm cam kết khi mở tài khoản ngân hàng là không được cho mượn, cho thuê, bán tài khoản, nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền ảo. Hiện nay, nhà nước ra không công nhận giá trị của tiền ảo, do đó những giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo là trái pháp luật. Các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cần tích cực phối hợp với cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền khác lập phương án triển khai biện pháp ngăn chặn giao dịch khi chủ tài khoản (người bị hại) thông báo bị lừa đảo, qua đó tạo điều kiện để thu hồi vật chứng trong vụ án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an các cấp trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC - Công an TPHCM cũng đề xuất, kiến nghị với NHNN Việt Nam về việc các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán phải có biện pháp tăng cường công tác bảo mật hệ thống, tránh trường hợp bị tội phạm CNC lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông xâm nhập vào hệ thống bảo mật của ngân hàng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cần nghiên cứu bổ sung quy trình phối hợp nhanh trong xử lý tài khoản liên quan đến tố giác về tội phạm, chủ động tạm ngưng giao dịch và tra soát với nhau qua hệ thống thông tin nội bộ giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán. Khi phát hiện tài khoản phát sinh các giao dịch nghi ngờ có dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản (số lượng giao dịch, số tiền lớn, diễn ra liên tục...), phía ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán nên có biện pháp chủ động liên hệ chủ tài khoản chuyển tiền để xác minh, cảnh báo.
Phòng, chống tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng
Đối với tội phạm này, theo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM, qua phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM và Công an địa phương rà soát, lên danh sách, ghi nhận trên địa bàn, với số lượng hội sở, chi nhánh ngân hàng nhiều, đã đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo đảm an ninh trật tự tại các ngân hàng. Trong 9 tháng năm 2023, ghi nhận xảy ra một vụ cướp tài sản tại chi nhánh Ngân hàng Sacombank (P7, Q8). Lực lượng Công an đã nhanh chóng điều tra, bắt giữ 3 đối tượng gây án. Mới đây, ngày 24/10/2023, xảy ra vụ dùng súng tự chế cướp 3,8 tỷ đồng tại chi nhánh Ngân hàng Sacombank ở H.Hóc Môn, lực lượng Công an cũng nhanh chóng bắt giữ 3 đối tượng cùng tang vật.
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp tài sản nói chung có đặc điểm là dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. Trong nhiều vụ án, vụ việc, các đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ để gây án như súng, mìn, lựu đạn; hung khí như dao, mã tấu, bình xịt hơi cay, súng điện, roi điện, gậy điện... Chính đặc điểm này đòi hỏi các đối tượng phạm tội phải chuẩn bị trước khi gây án để đạt bằng được mục đích phạm tội và che giấu hành vi phạm tội. Tội phạm thường lựa chọn mục tiêu gây án phụ thuộc vào đặc điểm tài sản định chiếm đoạt. Các đối tượng phạm tội cướp tài sản thường muốn chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, dễ vận chuyển, tiêu thụ, cất giấu... Đồng thời, người bị hại ít có khả năng chống cự hoặc các đối tượng có khả năng loại trừ được khả năng chống cự của họ.
Đối với vụ án cướp tài sản xảy ra ở ngân hàng, trước khi gây án, các đối tượng thường nghiên cứu kỹ về số lượng, đặc điểm, chủng loại, giá trị của những tài sản có ở nơi đó. Các đối tượng thường có mặt tại các địa điểm xung quanh ngân hàng trong một khoảng thời gian để xác định số lượng người đến giao dịch, chế độ canh gác, cách bố trí, sắp xếp lực lượng bảo vệ, xe cộ, thời điểm ngân hàng vắng người... Sau đó, các đối tượng sẽ vào ngân hàng quan sát vị trí, số lượng nhân viên làm việc, số lượng bảo vệ, hệ thống camera cảnh báo... Bên ngoài ngân hàng, các đối tượng thường bố trí đồng phạm lo cảnh giới, quan sát, thông báo để cả nhóm tẩu thoát khi phát hiện sự có mặt của lực lượng chức năng hoặc thực hiện việc "cản địa" cho đồng phạm bên trong kịp thời chạy trốn.
Trước khi lựa chọn mục tiêu gây án, các đối tượng có thể trực tiếp tìm kiếm hoặc thông qua số đối tượng chỉ điểm (thường là đàn em có nhân thân xấu), các mối quan hệ khác tại địa phương định gây án để quan sát, nghiên cứu đặc điểm địa hình xung quanh, nơi cất giấu tài sản, hướng tẩu thoát sau khi gây án. Để đạt mục đích phạm tội, trước khi gây án, các đối tượng thường tụ tập, có thể thuê một căn nhà gần địa điểm gây án hoặc chọn một điểm kinh doanh gần đó có đông người qua lại, để bàn bạc, thỏa thuận về kế hoạch cụ thể. Riêng vụ cướp tại chi nhánh ngân hàng ở H.Hóc Môn gần đây, các đối tượng bàn bạc với nhau qua mạng xã hội. Các đối tượng còn chuẩn bị công cụ, phương tiện và vũ khí cần thiết để gây án, nhằm uy hiếp và làm triệt tiêu khả năng chống cự của người bị hại.
Quá trình thực hiện hành vi gây án, các đối tượng lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của lực lượng bảo vệ ngân hàng và thời điểm vắng khách, lập tức sử dụng công cụ, phương tiện đã chuẩn bị sẵn uy hiếp những người có mặt tại ngân hàng, cướp tài sản. Khi bị phát hiện, loại tội phạm này sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt để tẩu thoát.
Theo phân tích của cơ quan công an, các đối tượng cướp ngân hàng chủ yếu có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, không có nơi ở nhất định, nợ nần, thua lỗ trong làm ăn, kinh doanh, khó khăn về kinh tế, có biểu hiện nghiện hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nên nhất thời, bộc phát gây án nhằm kiếm tiền trả nợ, tiêu xài cá nhân. Một nguyên nhân khác không thể không kể đến là do ý thức cảnh giác chưa cao của một số bảo vệ, nhân viên của ngân hàng cũng như sự chủ quan quần chúng trong phòng ngừa, phối hợp đấu tranh với loại tội phạm này. Đặc biệt, hệ thống an ninh và công tác bảo vệ của các ngân hàng hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, thiếu sót, để tội phạm lợi dụng gây án.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.746451_gnah-nagn-cac-ev-oab-hnin-na-gnoht-eh-gnouc-gnat-nac/na-uv/nv.moc.nagnoc