Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin kinh tế nổi bật trong nước ngày 10/5.
NHNN trình thí điểm Mobile Money thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Theo CafeF, sáng 9/5 đã diễn ra Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, theo đó NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ, hay còn gọi là Mobile Money nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và nhằm đạt được mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 11,33% xuống còn 10% vào cuối năm 2020.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tại Việt Nam, Mobile Money là dịch vụ có tiềm năng phát triển rất lớn trong bối cảnh tỷ lệ lưu thông tiền mặt của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Tuy là dịch vụ tương đối mới, nhưng Việt Nam có tiềm năng mạnh do có số lượng lớn thuê bao điện thoại, khoảng 129,5 triệu thuê bao (theo thống kê năm 2019), mạng điện thoại di động đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành và tỷ lệ người dùng internet rất cao (70,3% năm 2019).
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ tiên tiến đã và đang được áp dụng trong các hoạt động nhiều lĩnh vực như mã phản hồi nhanh (QR code), xác thực sinh trắc qua vân tay, khuôn mặt,… cùng với các doanh nghiệp có tiềm lực và khả năng cung cấp các dịch vụ này như Viettel và VNPT.
Tuy nhiên việc phát triển các hình thức thanh toán mới gồm cả Mobile Money vẫn là thử thách tại những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người chưa có tài khoản ngân hàng, đòi hỏi Chính phủ cũng như các doanh nghiệp phải thật sự nỗ lực để đạt được mục tiêu trọng tâm đã đề ra.
Sau chuỗi ngày ế ẩm vì Covid-19, tôm hùm bắt đầu hút khách
Một chủ cửa hàng hải sản cho biết, một tuần kể từ khi mở cửa hàng trở lại sau dịch, doanh thu đã gấp đôi tháng trước, trung bình bán được từ 4-5 tạ tôm hùm mỗi ngày, trái ngược hẳn với thời gian trước đó khi giá tôm hùm rất rẻ chỉ 680.000 đồng/kg nhưng vẫn ế ẩm.
Theo Soha, khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch, các cửa hàng ăn uống mở cửa trở lại thì nhu cầu tiêu thụ hải sản đã tốt hơn. Người dân không còn e ngại việc tới các địa điểm ăn uống và sức mua cũng tăng lên nhiều.
Mặt khác, do vẫn còn trong giai đoạn sau thời điểm dịch nên người tiêu dùng vẫn được hưởng nhiều ưu đãi, nhiều cửa hàng hải sản vẫn duy trì bán hàng qua mạng, hỗ trợ sơ chế và vận chuyển khiến người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí, do vậy mặt hàng này cũng trở nên đắt khách hơn.
Giá tôm hùm chính vì thế đã được điều chỉnh tăng tại một số cơ sở kinh doanh, từ 700.000 đồng/kg lên 750.000 đồng/kg với tôm hùm bayby. Giá hải sản tại một số nhà hàng cũng đã tăng nhẹ, tuy nhiên để đảm bảo hút khách chỉ áp dụng một số loại hải sản như tôm hùm xanh hoặc tôm hùm baby, một số loại vẫn có giá rẻ, đặc biệt là tôm ngộp, có giá chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/con trong khi tháng trước được bán với giá 120.000 – 150.000 đồng con.
Phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”
Theo thời báo Kinh tế Sài Gòn online, nhằm trợ giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19 và kích cầu du lịch nội địa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều địa phương phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ 1/6 đến 31/12 tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, theo đó các địa phương cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí tham quan tại các khu du lịch, di tích,…
Các hãng vận tải, hàng không cũng được đề nghị có chính sách giảm giá vé và cùng các công ty du lịch xây dựng các tour trọn gói với chất lượng và giá ưu đãi. Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang “Giá phải giảm mạnh thì khách mới đi và phải thực hiện trên quy mô lớn để tạo sức hút” và cho biết nhiều khách sạn Nha Trang sẽ giảm tới 50% giá phòng để thu hút khách nội địa.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu hoạt động và đưa ra nhiều gói ưu đãi cho khách trong nước đi nhóm nhỏ, nhóm khách gia đình. Tại TP. HCM, các tour trọn gói đi các điểm du lịch gần, các dịch vụ Free& Easy đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang được chào bán với giá từ 1.439.000 đồng/người. Gói nghỉ dưỡng tại một số khách sạn, resort 5 sao cũng giảm từ 20%-50% so với giá thường,…
Dự kiến, trong thời gian tới, người dân sẽ nhận được nhiều các công bố chính thức về các tour du lịch trọn gói gi á rẻ.
Honda Việt Nam chuyển đổi mô hình từ sản xuất sang nhập khẩu?
Theo Vietnamnet, do ảnh hưởng bởi dịch covid-19 và thị trường suy giảm, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết, quy mô sản xuất ô tô dự kiến giảm 30% trong năm 2020 và có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.
Nhà máy ô tô Honda Việt Nam được khởi công từ tháng 6/2005 với các mẫu xe phổ biến như City, CR-V và Civic, tuy nhiên các mẫu Civiv và CR-V đã chuyển sang nhập khẩu và hiện chỉ còn mẫu City thuộc phân khúc sedan hạng B là lắp ráp trong nước, mặc dù doanh số xe này cũng đang giảm.
Lý do là ngoài nguồn cung linh kiện thiếu hụt vì dịch Covid-19, còn bởi doanh số bán thấp, việc sản xuất và lắp ráp trong nước khó có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu được hưởng ưu đãi 0%.
Honda cũng đã đóng cửa nhà máy tại Philippines ảnh hưởng tới 2000 lao động, tại nhà máy Việt Nam có khoảng 400 lao động và đi cùng là hàng nghìn lao động trong chuỗi giá trị như vận tải, cung ứng vật tư, linh kiện,…
Không chỉ Honda Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đang mất dần lợi thế. Theo Bộ Công thương, hạn chế của ô tô nội là giá bán cao so với các nước trong khu vực, các sản phẩm nội địa hóa có chất lượng thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương kính,…Ngoài ra, việc gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu, được hưởng thuế ưu đãi 0% khiến lượng xe nhập khẩu dự báo tràn vào ngày càng nhiều, khiến việc sản xuất ôtô trong nước đối mặt với rủi ro cao, ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước.
The post Điểm tin kinh tế: Trình thí điểm Mobile Money thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam appeared first on Đại Kỷ Nguyên.