Lần đầu tiên hãng công nghệ Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe AirPods tại Việt Nam trong quý II/2020 tại Việt Nam, đây là dấu hiệu cho thấy hãng này đang đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc.
Theo tin từ hãng Asia Nikkei, khoảng 3 tới 4 triệu tai nghe, tương ứng với khoảng 30% tổng sản lượng AirPods sẽ sản xuất tại Việt Nam trong quý II/2020. Tuy nhiên, phiên bản cao cấp AirPods Pro mà Apple giới thiệu hồi tháng 10/2019 chưa được sản xuất vào đợt này. Một số sản phẩm quan trọng của hãng như iPhone, MacBook do chưa phải đối tượng bị áp thuế mới vẫn được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc.
Asia Nikkei cũng cho biết, từ tháng 03/2020 Apple đã sản xuất đại trà AirPods tại Việt Nam. Trở lại thời điểm giữa tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mai giai đoạn một nhằm xóa bỏ xung đột chiến tranh thương mại kéo dài gần 2 năm, do đó nỗ lực chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Apple cũng chậm lại. Tuy nhiên, đại dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc hãng công nghệ này cần đánh giá lại tầm quan trọng của đa dạng hóa sản xuất nhằm phát bền vững.
Hơn nữa, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung lại một lần nữa “nóng” lên khi chính quyền Tổng thống Trump lên kế hoạch đưa chuỗi cung ứng nguồn ra khỏi Trung Quốc để trừng phạt nước này do che giấu dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc các công ty công nghệ Mỹ dần tìm kiếm cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc, một giám đốc trong chuỗi cung ứng nói với Nikkei rằng điểm đến ưa chuộng của các hãng công nghệ này là Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan hoặc các nước Đông Nam Á khác.
Trước đó, Nikkei đưa tin do căng thẳng mại giữa Bắc Kinh- Washington kéo dài, Apple yêu cầu các đối tác đánh giá lại kế hoạch nhằm dịch chuyển từ 15% đến 30% sản lượng sản xuất phần cứng ra khỏi thị trường Trung Quốc. GoerTek – công ty lắp ráp chính sản phẩm AirPods – bắt đầu chuyển sang Bắc Ninh, Việt Nam từ tháng 10/2018 và thử nghiệm sản xuất từ mùa hè 2019.
Apple đã đưa ra quyết định rằng Luxshare Precision Industry (Luxshare-ICT) sẽ sản xuất số lượng lớn tai nghe không dây, công ty Luxshare đã khởi động khoản đầu tư mới vào Việt Nam từ năm 2019. Một hãng lắp ráp AirPods khác là Inventec đang xây nhà máy tại Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Như vậy, Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng thô hoàn chỉnh tại miền Bắc Việt Nam.
Các đối tác của hãng này cũng đã sản xuất sản phẩm tai nghe có dây EarPods bán kèm iPhone. Nhà cung ứng linh kiện thô Merry Electronics cũng hợp tác với Luxshare để chuẩn bị cho nhà máy tại Việt Nam đi vào hoạt động vào mùa hè năm nay. Nhiều đối tác lớn của Apple như Foxconn, Pegatron và Compal Electronics đều mở rộng sản xuất tại miền Bắc, Việt Nam ngay cả khi họ chưa chế tạo sản phẩm Apple vào thời điểm hiện tại.
Giáo sư Willy Shih, Đại học Kinh doanh Harvard cho rằng, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã buộc nhiều hãng công nghệ có cái nhìn khác về vấn đề đa dạng chuỗi cung ứng. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn sở hữu cơ sở hạ tầng, giao thông, lao động có tay nghề và hậu cần tốt nhất. Tuy nhiên, trong các năm tới các ngành công nghiệp điện tử sẽ đa dạng hóa hơn vì họ nhận ra rủi ro khi bỏ tất cả trứng vào một giỏ.
Công nghiệp ô tô Việt Nam mới sản xuất được săm, lốp
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ôtô thấp, những sản phẩm tự làm được như ghế ngồi, bộ dây điện, săm, lốp,… có hàm lượng công nghệ rất ít.
Ngành sản xuất ôtô nội địa của Việt Nam còn hạn chế do chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa như: săm, lốp ôtô, khung vỏ, ghế ngồi, gương, sản phẩm nhựa, kính, bộ dây điện, ắc-quy, … có hàm lượng công nghệ thấp.
Theo Bộ Công thương, hiện nay tỷ lệ nội địa hoá xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Do quy mô các doanh nghiệp sản xuất ô tô nhỏ, cùng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển. Chi phí sản xuất mặt hàng này cao hơn 10-20% khiến giá thành ôtô sản xuất nội địa cao so với các nước trong khu vực và chịu nhiều bất lợi so với xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN khi các hàng rào thuế quan đã gỡ bỏ.
Cũng theo nhận định của Bộ Công thương, đến nay ngành ôtô Việt Nam vẫn kém phát triển do ngành này có xuất phát điểm thấp đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi; dung lượng thị trường với ngành ôtô còn nhỏ, tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất chưa được đảm bảo.
Ngoài ra, trình độ của doanh nghiệp cũng như nhân sự ngành ôtô còn thấp; hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa được quan tâm thích đáng, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến chưa tự chủ được các các linh phụ kiện đầu vào và vật liệu cơ bản cho ngành.
Trước đó, để kích cầu thị trường trong bối cảnh ế ẩm do Covid-19, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước cũng như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm 2020. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Tài chính đồng ý với lý do sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu với sản xuất trong nước với nhập khẩu. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm muốn giãn, giảm, giãn các loại phí, thuế này.
Doanh thu doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giảm đến 90% vì COVID-19
Theo khảo sát của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp trong mảng công nghiệp công nghệ (ICT) được đánh giá là đối tượng bị tác động lớn nhất, doanh thu của các doanh nghiệp trong mảng này đã giảm từ 30% đến 90%. Các dự án/hợp đồng với khách hàng của nhiều doanh nghiệp bị huỷ hoặc phải tạm dừng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, cạn kiệt vốn dự trữ.
Nhập khẩu linh phụ kiện gặp khó khăn do các hạn chế về giao thương, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Công nợ không thể thu hồi do các đối tác, khách hàng cũng khó khăn về tài chính. Nguồn nhân lực cũng gặp khó khăn do thiếu nhân sự hoặc khó khăn trong việc giám sát nhân viên làm việc tại nhà theo chỉ thị giãn cách xã hội.
Khách hàng, đối tác của các doanh nghiệp ICT chủ yếu ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước liên minh châu Âu (EU), những nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch và để giữ chân những khách hàng, đối tác này cũng vô cùng khó khăn. Đến tháng 3/2020, số lượng dự án từ khách hàng khu vực châu Âu đã giảm đến 60-70%. Đến tháng 4/2020, lượng dự án từ các khách hàng, đối tác châu Á giảm khoảng 30%. Các hợp đồng đang trong giai đoạn đàm phán cũng bị tạm dừng cho tới khi hết dịch.
Đối với ngành giải trí trực tuyến như nền tảng video, mạng xã hội, nền tảng video, trong thời gian qua có nhiều lượng truy cập và theo dõi hơn nhưng doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trên các kênh này lại giảm đáng kể, từ 15 đến 20% do nhiều khách hàng đã dừng các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Dự kiến xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài và có thể giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ lĩnh vực trò chơi trực tuyến có thể giảm từ 10 đến 20% do lĩnh vực này bị “ách tắc” từ các đối tác Trung Quốc.
E ngại với thịt nhập khẩu giá rẻ, giá thịt lợn nội vẫn cao ngất ngưởng
Nhằm bình ổn giá thịt lợn trong nước, nhiều mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Canada, Barazil đã được phân phối để phục vụ người tiêu dùng với các mặt hàng được người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng như sườn non, nạc đùi, xương ống, thịt ba chỉ,… với mức giá phải chăng và rẻ hơn 20.000 – 30.000 đồng/kg so với thịt lợn nội địa. Thậm chí nếu mua online qua mạng, thịt lợn nhập khẩu được bán với giả rẻ hơn khá nhiều.
Tuy nhiên, thay vì được lựa chọn để sử dụng để thay thế thịt nội địa, có những nơi giá rẻ hơn 50 – 60% lại khiến người tiêu dùng hoang mang và có tâm lý thăm dò do chưa quen sử dụng thịt nhập khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu lại không dám nhập khẩu nhiều vì lo sợ không bán được hàng.
Trong khi đó, giá thịt lợn nội địa vẫn chưa có dấu hiệu giảm sau buổi làm việc của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn và cam kết về giảm giá thịt lợn nội địa về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Thậm chí, thịt lợn nội địa lại có xu hướng tăng.
Theo khảo sát của BizLive tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, thịt ba chỉ khoảng 170.000 đồng/kg, sườn thăn từ 180.000-195.000 đồng/kg, tăng so với thời điểm đầu tháng 4. Tại các siêu thị, thịt lợn cùng loại của các doanh nghiệp còn cao hơn với mức giá lên tới 274.000 đồng/kg. Ngoài ra, với thời gian tái đàn lâu, mất khoảng 4 – 6 tháng để xuất chuồng cũng là một khó khăn thách thức cho Việt Nam từ nay tới cuối năm có thể bình ổn được giá thịt lợn.
The post Tin kinh tế ngày 8-9/5: Hàng triệu tai nghe AirPods sản xuất tại Việt Nam ngay trong quý II/2020 appeared first on Đại Kỷ Nguyên.