Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm nay đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó và đặc biệt ở 2 tháng đầu năm, tín dụng hấp thu rất chậm.
Tăng trưởng tín dụng thấp
Tăng trưởng tín dụng thấp những tháng đầu năm đến từ việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mất đơn hàng, không có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất còn cao (trên 10%/năm), khiến doanh nghiệp cũng thận trọng vay đầu tư. Chưa kể, phân khúc tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho vay nhà ở cũng chững lại một phần do khách hàng có tâm lý thắt lưng buộc bụng khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, phần còn lại người vay chờ lãi suất vay mua nhà giảm xuống thấp hơn.
Trong khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng 14 - 15% trong năm nay. Thống đốc cũng mong được các doanh nghiệp thấu hiểu vì ngành ngân hàng không thể chỉ giải quyết 1 mục tiêu. Trên thực tế, chỉ tiêu lạm phát cả năm là 4,5%, nhưng đến tháng 4 đã gần 4%. Do đó, NHNN phải xem xét nhiều yếu tố. Như vậy, sẽ còn đâu đó khoảng dưới 10% room tín dụng theo dư địa của chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay, hứa hẹn chờ được đưa ra thị trường trong 7 tháng còn lại của năm 2023.
Một chuyên gia cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu và trong nước vận hành bình thường, không bị cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế từ các quốc gia phát triển đi đầu - cũng là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; hay bị tiềm ẩn rủi ro bởi khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, hay nút thắt trái phiếu doanh nghiệp và câu chuyện gỡ khó bất động sản vẫn chưa hoàn toàn gỡ được ở Việt Nam, thì chỉ tiêu còn dư cùng thời gian này sẽ không là bài toán thách thức của ngành ngân hàng. Nhưng ngược lại khi các điều kiện nêu trên đã lật ngược, những khó khăn còn trước mắt, thì việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần một cú hích.
Ngành ngân hàng sẵn sàng tiền
Thực tế sau 2 đợt hạ lãi suất điều hành của NHNN vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, cộng với đó từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào khoảng 6 tỷ USD tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường, thanh khoản thị trường dồi dào đã giúp các ngân hàng đủ điều kiện hạ nhiệt lãi suất huy động.
Gần nhất ngày 23/5, NHNN đã có quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm và hạ tiếp trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Qua đó, một loạt các NHTM cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động trên biểu niêm yết.
Trước đó, theo cam kết của 4 ngân hàng lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, đến 12/5, đã áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ 4,9 - 5,1% năm; cao nhất là 12 tháng với 7,2%. Hiện các nhà băng này đều niêm yết lãi suất huy động 1- dưới 6 tháng dưới trần lãi suất chung (
Tuy nhiên, hạ lãi suất đầu ra luôn có độ trễ và nhiều yếu tố khác. Cũng như hạ lãi suất chưa hẳn đã kích thích được doanh nghiệp vay khi như Thống đốc NHNN nhận định, nếu họ phải hoạt động cầm chừng vì sản xuất không biết bán cho ai.
Vẫn cần gói kích thích vay mua nhà
Trong bối cảnh 2 trụ cột tăng trưởng kinh tế và cũng là nhóm cần vốn tín dụng trực tiếp hỗ trợ đang gặp khó (xuất khẩu vẫn đang chững lại và chi tiêu nội địa bị thắt chặt), các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần một gói hỗ trợ kích thích thực sự, và ưu tiên trọng điểm đang đề xuất hướng về gói hạ lãi vay kích thích người vay mua nhà.
Đây cũng là một trong những nội dung mà ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị với NHNN. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, cần thúc đẩy cho vay nhà ở xã hội, công nhân, cho vay cải tạo chung cư cũ và hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà; bởi như đánh giá, có nhiều dự án bất động sản đủ điều kiện cho người mua nhưng người mua vẫn còn tâm lý chờ đợi hạ và ổn định lãi vay.
Theo một số chuyên gia kinh tế, gần đây, nhiều nỗ lực hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp bất động sản đã được đi vào thực tế. Điển hình như việc TP.HCM gỡ vướng pháp lý, giúp hồi sinh 7 dự án lớn của địa bàn. Song bên cạnh đó, ngoại trừ số ít các doanh nghiệp lớn có chuyển nhượng dự án ghi nhận doanh thu cao, duy trì lãi lớn như Vinhomes, Vincom Retail, Kinh Bắc, Văn Phú Invest, Sunshine Homes…, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể trong quý I vẫn tăng mạnh (hơn 30%). Khó khăn của doanh nghiệp không chỉ là áp lực trên thị trường vốn và ách tắc pháp lý mà còn là tắc thanh khoản trên thị trường với cầu yếu, tiền thu trước khách hàng gần như bị đứng. Do đó, áp dụng kinh nghiệm cho vay mua nhà lãi suất thấp, nâng hạn mức và thời gian vay, tuổi khách vay như Trung Quốc… là giải pháp cần thiết để kích thích thị trường, khơi thông nguồn vốn tín dụng.
Hiện tại, thị trường đã có các gói cho vay ưu đãi bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng, nhưng lại giải ngân dài hạn từ nay đến tận năm 2030, sản phẩm để cho vay triển khai và tiến tới bàn giao chưa có nên sức lan tỏa hiệu ứng của nguồn vốn không cao. Do đó, nghiên cứu hạ lãi vay bất động sản thương mại cho người mua là cần thiết để làm “ấm” thị trường, đẩy sức cầu.
Ngoài ra, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ngoài tín dụng, nền kinh tế còn cần sự hỗ trợ mạnh hơn nữa từ mở rộng tài khóa./.
Xem thêm: lmth.29791000042210202-gnud-nit-hcih-uc-meht-nac-nav-taus-ial-ah/nv.semitaer