Ngày 24-5, ông trùm của lực lượng lính đánh thuê Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, tuyên bố 20.000 lính Nga đã thiệt mạng tại chiến địa Bakhmut (Ukraine), trong số đó có một nửa là tù nhân Nga được tuyển mộ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Đây không phải là con số chính thức từ Matxcơva, nhưng theo các nhà quan sát, nó trùng hợp với ước tính của Mỹ là Nga đã thiệt hại 100.000 binh sĩ, bao gồm 20.000 thiệt mạng và 80.000 bị thương.
Cuộc chiến đẫm máu này gợi nhớ tới tác phẩm "Chiến tranh và Hòa bình" của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.
Trong đó những nhân vật như Andrey và Pierre là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên Nga cũng như khắp thế giới về lý tưởng sống luôn rực cháy, khát vọng cống hiến cho đất nước, những cung bậc bi tráng nhưng rất hào hùng của các cuộc chiến tranh vì Tổ quốc thân yêu, không bao giờ lùi bước trước những khó khăn gian khổ, để xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình cũng như hòa bình cho đất nước.
Thanh niên Nga hiện nay đã khác?
Cuộc sống êm ấm và hòa bình mấy chục năm nay đã làm cho thanh niên Nga không còn hăng say, nhụt chí và ngại ra trận?
Theo ghi nhận của Đài France Info, trong đợt tổng động viên một phần vào tháng 9-2022, đã có khoảng 260.000 thanh niên trốn khỏi nước Nga sang các nước láng giềng như Armenia, Gruzia và Kazakhstan để khỏi bị bắt ra chiến trường.
Kể từ đầu cuộc chiến, nhiều người lính đã đào ngũ, một số chấp nhận thà ngồi tù chứ không chịu ra trận.
Thậm chí, một người lính quê ở Siberia đã kể lại trên kênh Radio Liberty hồi tháng 2-2023 cách khó tưởng, mà anh ta cùng một vài đồng đội tự hủy hoại thân thể để rời khỏi chiến trường Ukraine: "Một đồng đội đã bắn vào chân tôi, sau đó bắn vào một người khác, rồi chúng tôi bắn loạn xạ lên trời để cho những người ở phía sau nghĩ rằng chúng tôi đang chiến đấu thực sự".
Anh ta được đưa đi chăm sóc vết thương tại một trung tâm y tế, và cuối cùng đã trốn thành công qua Kazakhstan.
Có lẽ đó là lý do mà quân đội Nga phải nhờ đến tập đoàn lính đánh thuê Wagner và trong quá trình tham chiến, vì thiếu nhân lực mà tập đoàn này phải tuyển dụng các tù nhân tại Nga ra chiến trường để đổi lấy tự do.
Trước thềm chiến dịch phản công của Ukraine, những tháng gần đây, Nga đang ráo riết thực hiện chiến dịch quảng bá để thu hút tân binh, tăng cường quân số cho tiền tuyến để tránh phải rơi vào tình trạng ban bố lệnh tổng động viên.
Trên khắp các trang mạng xã hội cũng như trên đường phố các thành phố lớn của Nga, nhiều áp phích những người lính vũ trang và khẩu hiệu được treo lên: "Bạn là đàn ông, hãy là một người đàn ông thực thụ", "Nghề của chúng tôi là bảo vệ Tổ quốc", "Một nghề danh dự và một mức lương xứng đáng".
Những người tình nguyện từ 18 đến 60 tuổi đều có thể được tuyển dụng, sau khi ký hợp đồng thì tân binh sẽ nhận ngay một khoản 195.000 rúp (2.455 USD) và mức lương tối thiểu hằng tháng là 204.000 rúp (2.568 USD).
Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi về một số tội danh chống nghĩa vụ quân sự được Tổng thống Vladimir Putin ký hôm 24-9-2022 và sau đó được hai viện Quốc hội phê chuẩn, thì các quân nhân từ chối tham gia chiến đấu, cũng như những người đào ngũ hoặc trốn nghĩa vụ quân sự sẽ phải đối mặt với án tù từ 5 đến 10 năm, tùy thuộc vào thời gian bỏ trốn.
Các quân nhân Nga tự nguyện đầu hàng đối phương sẽ phải đối diện với mức án cao nhất là 10 năm tù khi trở về địa phương.
Tuy nhiên, họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu vi phạm lần đầu, hoặc tự nguyện quay trở lại đơn vị và không vi phạm tội danh khác trong thời gian bị bắt làm tù binh.
Những phiên tòa và những vụ án điển hình
Theo một cuộc điều tra của trang Mediazona đăng vào tháng 4-2023, Tòa án quân sự Nga đã xét xử hơn 700 vụ liên quan đến tội chống nghĩa vụ quân sự, kết án 360 trường hợp, đa số là đào ngũ, thế nhưng khoảng 40% trong số này được hưởng án treo vì đã chấp nhận quay trở lại chiến trường.
Như truyền thông Nga ngày 21-1-2023 cho biết một quân nhân chuyên nghiệp có tên là Marsel Kandarov, 24 tuổi, đã bị tòa án vùng Bashkortostan kết án 5 năm tù vì tội trốn nghĩa vụ quân sự trong thời gian tổng động viên.
Kandarov đã "không muốn tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt" và không trình diện trong quân ngũ kể từ tháng 5-2022, sau đó bị bắt vào tháng 9-2022.
Trong một diễn biến khác nghiêm trọng hơn, tờ báo Mash của Nga đưa tin vào ngày 18-1-2023, binh sĩ đào ngũ Dmitry Perov, 31 tuổi, đã bị đặc nhiệm Nga bắn hạ ở vùng Lipetsk, miền trung Nga, khi anh này cố gắng chống cự để khỏi bị bắt trên đường di chuyển về nhà.
Tổng thống Vladimir Putin, ngày 20-6-2019, khi trả lời câu hỏi trực tuyến của người dân về lý do truyền hình thường xuyên công bố về rất nhiều loại vũ khí mới, đã bắt đầu bằng câu cổ ngữ tiếng Latin: "Si vis pacem, para bellum" (Muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh).
Có thể nói, hòa bình là mong ước và khát khao của toàn thể loài người. Thế nhưng dù có yêu hòa bình đến mấy, nhân loại vẫn bị ám ảnh bởi chiến tranh.
Bởi vì chiến tranh đã xuất hiện hàng ngàn năm trước cùng với loài người, trước khi có ranh giới phân định quốc gia, trước khi có các chính thể và chính sách ngoại giao, và xung đột vẫn luôn tiềm tàng và có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này.
Cuộc chiến nào cũng tang thương thảm khốc, những câu chuyện về chiến trường, chiến sĩ luôn làm nhức nhối con tim và lương tâm của nhân loại.
Liệu trong thiên niên kỷ thứ ba này, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học và nhân học, con người có thoát khỏi bóng ma của chiến tranh, thế giới sẽ hòa bình mà không cần đến chiến tranh?
Bộ Quốc phòng Nga ngày 25-5 thông báo đã cử tiêm kích để ngăn chặn 2 máy bay ném bom chiến lược của Mỹ “xâm phạm biên giới quốc gia” trên biển Baltic.