TRÁCH NHIỆM CÁC BỘ Ở ĐÂU?
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất luật cần quan tâm và quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) khi bị NTD khác xâm hại. Ông Cảnh nên ra các trường hợp nhiều NTD bị người khác chen lấn khi sử dụng dịch vụ; ăn mặc, nói năng không phù hợp; đem theo vật nuôi, có hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục. "Nhiều NTD nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế. Nhưng những NTD khác cũng là thượng đế và cần được bảo vệ quyền lợi", ĐB này nói.
Còn theo ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), nhiều đối tượng lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thậm chí còn lập cả trang web giả mạo các bác sĩ giỏi để đánh lừa người dân khám bệnh, điều trị và mua sản phẩm y tế. "Bị bủa vây giữa những thông tin giả như vậy thì NTD khó phân biệt được, nhiều người tiền mất, tật mang vì những thông tin sai lệch, mạo danh", ông Tám nói và cho rằng NTD có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi: trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu? Ông Tám đề nghị bổ sung rõ trách nhiệm của Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ TT-TT, trong ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thì khuyến cáo VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phải làm "nổi bật hóa nghĩa vụ bên thua". Ông nêu: "NTD đi kiện thắng nhà sản xuất, dịch vụ thì bên sản xuất, dịch vụ phải bồi thường. Song trường hợp NTD đi kiện không đúng, mà DN sản xuất đang rất uy tín bị mất uy tín, thiệt hại thì sao?".
KHÔNG PHẢI TRẢ LỜI ĐỂ BIẾT
Cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 QH khóa XV. Đây là lần đầu tiên QH có phiên thảo luận toàn thể về nội dung này.
Đánh giá tỷ lệ trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp vừa qua đạt tới 99,8% (2.466/2.469 kiến nghị) cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, song nhiều ĐB băn khoăn về chất lượng của văn bản trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri. ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) dẫn chứng có một bộ trả lời kiến nghị cử tri Đắk Nông sau kỳ họp bất thường lần 2 QH khóa XV về một nội dung cụ thể của tỉnh, nhưng lại dẫn chiếu số liệu, văn bản của tỉnh khác, không phải tỉnh Đắk Nông.
Ông Dương Khắc Mai cũng phản ánh, thời gian qua nhóm ý kiến của địa phương gửi đến Chính phủ, bộ, ngành đã có sự thống nhất trong trả lời. Tuy nhiên, một số ít trường hợp chung một vấn đề cần có trả lời đồng bộ, toàn diện, tránh trường hợp câu trả lời chỉ một phần, không bao quát hết. Ví dụ, cử tri Đắk Nông kiến nghị các dự án điện gió vướng mắc thì Bộ Công thương trả lời, phần đền bù thì Bộ Công thương lại đề nghị gửi câu hỏi cho Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp. "Rất mất thời gian và không kịp có câu trả lời cho cử tri trong kỳ tiếp xúc tiếp theo", ông Mai nêu.
ĐB tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng một số văn bản trả lời theo hướng chung chung, mang tính cung cấp thông tin, chưa có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc, bức xúc. "Phần trả lời chỉ nêu "sẽ", "sắp tới", mà không có lộ trình cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị, bức xúc", ông Mai chia sẻ.
Tương tự, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết trong số 99,8% các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành thì "tuyệt đại đa số" là giải trình, cung cấp thông tin. "Trả lời kiến nghị thì tốt rồi, nhưng trả lời thế nào thì cần phải đánh giá kỹ hơn". Theo ông An, các kiến nghị cử tri, địa phương gửi về bộ, ngành, Chính phủ nêu các vấn đề cụ thể, song việc trả lời vẫn đang theo hướng "theo quy trình", "theo quy định của pháp luật", khó đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri. "Cần có tiêu chí đánh giá việc trả lời. Làm sao trả lời để giải quyết công việc chứ không phải trả lời để biết", ông An nói và đặt vấn đề cần giao cho cơ quan nào giám sát vụ việc, số liệu theo dõi, đánh giá; từ đó nâng cao chất lượng giám sát giải quyết kiến nghị cử tri.
ĐB Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cho rằng việc giải quyết kiến nghị cử tri không thuần túy là câu chuyện trách nhiệm của QH, Chính phủ hay câu chuyện về lòng tin của người dân mà thực tế nếu giải quyết tốt còn trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH. "Tôi chỉ có một kiến nghị duy nhất ngoài các kiến nghị của ĐB đã nói rồi là mong các bộ, ngành đặt địa vị mình vào bà con, đặt địa vị mình vào người dân ở những nơi xảy ra những vướng mắc, khó khăn đấy để trả lời, giải quyết những kiến nghị của cử tri một cách thấu đáo và gỡ được thực sự. Nếu không, dù tỷ lệ trả lời đúng hạn, tỷ lệ trả lời rất cao, nhưng để làm được cũng còn rất khó khăn", ĐB Quý nêu.
Trình 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Sáng 26.5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình QH tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chính phủ đề xuất 44 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa thuộc 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực khác nhau, gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Ông Dũng cho biết mục tiêu Chính phủ đề ra là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển KT-XH của TP.HCM.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Lê Quang Mạnh đánh giá dự thảo nghị quyết mới đã bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54 năm 2017, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù. Cơ quan thẩm tra QH nhấn mạnh nguyên tắc, các cơ chế cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH cũng cho rằng chính sách mới cần "mang tính đột phá", "vượt trội", song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải, đồng thời lưu ý đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.