Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Chờ tới 2024 mới xong giám sát nghị quyết 43 e rằng muộn
Là người bấm nút phát biểu cuối cùng của phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết có rất nhiều bức xúc nên phải nêu ý kiến ngay.
Theo ông Ngân, tình hình nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, 4 tháng đầu tăng hơn 20%, số liệu đăng ký giảm.
Do vậy ông đồng tình với việc giám sát chuyên đề 1 về việc thực hiện nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển động, thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
"Nhưng nếu chờ tới năm 2024 mới xong giám sát nghị quyết 43 thì e rằng muộn. Bởi nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì áp lực sẽ gia tăng với an sinh rất lớn.
Theo báo cáo của các cơ quan, số lượng lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ lao động trong thời gian gần đây rất lớn, đến hơn 500.000 lao động", ông Ngân nêu.
Ông nói ngày hôm qua Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành giải quyết ngay khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng nêu gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo nghị quyết 43 cho đến nay mới giải ngân được 87.300 tỉ đồng/301.000 tỉ đồng, không kể 46.000 tỉ đồng cho y tế.
"Tỉ lệ như vậy mới được 29% mà đã mất 1,5 năm trong khi gói này có thời hạn chỉ 2 năm. Do vậy, phải nỗ lực nhiều hơn", ông Ngân nói.
Ông đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Ông chỉ rõ hiện nay tổng cầu thế giới và trong nước đều suy giảm, các siêu thị hiện nay khuyến mãi rất nhiều nhưng doanh thu rất khó.
Liên quan đến việc giảm thuế, ông Ngân cho rằng nếu đọc số liệu cứ nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách nhưng rõ ràng năm 2022 tiến hành giảm thuế và thu ngân sách dự toán 1,4 triệu tỉ đồng, song đến cuối năm thực thu trên 1,8 triệu tỉ đồng.
"Thu ngân sách vượt dự toán trên 400.000 tỉ đồng, như vậy rõ ràng việc giảm thuế là cần thiết, giúp tăng doanh thu, góp phần giải quyết việc làm", ông Ngân nêu thêm.
Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đồng tình việc chọn chuyên đề "thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan".
Theo ông Hoàn, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn. Khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện năm 2005 khi có Luật Nhà ở.
Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó Nhà nước ban hành các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, tiền thuê, sử dụng đất, ưu đãi lãi suất...
Tuy nhiên, theo ông Hoàn, việc thực hiện nhà ở xã hội thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau.
Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Ông đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện. Nội dung giám sát cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội; tổ chức nào cung cấp; thực trạng sử dụng nhà ở xã hội; mục tiêu, ý nghĩa của chương trình giám sát thông qua kết quả đạt được.
Môi trường sống như cơ sở vật chất, cây xanh, bảo trì, bảo dưỡng nhà; môi trường xã hội như trình độ, lối sống, cơ sở hạ tầng như chợ, nơi mua sắm; khoảng cách tiếp cận nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương…
Đại tướng Tô Lâm nêu rõ Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi luật để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.