Hà Tĩnh là địa phương thứ hai sau Hà Giang hoàn tất quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh xúc tiến đầu tư và ngược lại là các nhà đầu tư đề xuất các dự án theo tầm nhìn của người kinh doanh.
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng nay, 28-5, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỉ đồng. Như một phần của hoạt động xúc tiến đầu tư, với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, lãnh đạo địa phương này cũng trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 219 ngàn tỉ đồng.
Chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị. |
Phát biểu trước sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương và đông đảo các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh nhà, khi vừa nằm trên trục giao thông Bắc- Nam, vừa là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tiềm năng ấy, với truyền thống lịch sử, Hà Tĩnh đến nay đã vươn lên nhóm các tỉnh khá của khu vực, nằm trong 10 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm...
Ông Võ Trọng Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, trong đó xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Ông Huệ đánh giá Hà Tĩnh đã hết sức quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng phê duyệt trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Hà Tĩnh và tham mưu của các bộ, ngành Trung ương chính là cơ sở để tỉnh triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Tĩnh đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và một trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển..
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Như một hoạt động biểu tượng, tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021– 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Quyết định này do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8-11-2022, và từ đó tới nay được chính quyền Hà Tĩnh tích cực triển khai, để đi đến những dự án cụ thể được đưa ra trao quyết định chấp thuận chủ trương hoặc ghi nhớ hôm nay.
Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước... Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.