Các doanh nghiệp (DN) hữu cơ, đặc biệt là DN khởi nghiệp đang phải co mình lại, chờ thị trường khởi sắc để tiếp tục các dự định mở rộng.
Hụt doanh thu vì đầu ra teo tóp
Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hoa Nắng (TP HCM) chuyên gạo hữu cơ, cho hay doanh số của DN giảm tới 20%-30% so với cùng kỳ những năm trước. "Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ưu tiên hàng giá rẻ nên phân khúc gạo cao cấp bị ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi đang kinh doanh thêm thủy sản (tôm, cá) ở vùng nguyên liệu lúa, phát triển thêm bún khô, bánh gạo để bù cho phần doanh thu bị hụt" - ông Tú nói.
Theo ông Tú, hiện tại nhiều người quanh vùng nguyên liệu của gạo hữu cơ Hoa Nắng muốn liên kết với công ty nhưng Hoa Nắng tạm thời giữ nguyên vùng nguyên liệu 200 ha hiện có, chưa thể mở rộng thêm vì chưa có đầu ra. Ngay cả những đơn hàng xuất khẩu, tuy nhu cầu lớn nhưng đơn giá chỉ khoảng 1.500 - 1.600 USD/tấn trong khi DN mong muốn mức giá 1.800 - 2.000 USD/tấn thì mới bảo đảm hiệu quả. "Nhìn chung, phần lớn DN hữu cơ đang phải co cụm, chờ thị trường ấm lên. Cũng có những đơn vị phải "bán mình" vì không có nguồn lực để đầu tư tiếp" - ông Tú phản ánh.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ số Bình Phước (tỉnh Bình Phước) có 8 ha trồng hồ tiêu hữu cơ theo chuẩn quốc tế, nhìn nhận nông sản hữu cơ cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Hồ tiêu đang chu kỳ giá thấp thì nông dân phải chịu. "Dù vậy, nếu nắm bắt thông tin và dự đoán tình hình đúng thì có thể bán hàng được ở lúc giá cao. Nông sản cũng như chứng khoán, nếu mua vào giá đáy, bán ra giá đỉnh thì lời" - ông Hoàng ví von. Cũng theo ông Hoàng, thời điểm hiện tại, vườn hữu cơ có sẵn thì phát triển thêm sản phẩm, thêm nguồn thu chứ không thích hợp để xây dựng từ đầu.
Dưới góc độ nhà bán lẻ thực phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Tấn Hòa, phụ trách marketing hệ thống Organic Food (TP HCM), cho hay 2 năm qua, hầu như không có trang trại hữu cơ mới nào làm nhà cung cấp cho hệ thống. Thay vào đó, các nhà cung cấp cũ có mối liên hệ chặt chẽ với nhà bán lẻ nên sản xuất theo đặt hàng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận.
"Hiện tại đang bước vào mùa mưa là mùa thấp điểm của thị trường bán lẻ, cộng thêm người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Dù vậy, giới tiêu dùng thực phẩm hữu cơ có thu nhập ổn định nên thị trường không tăng trưởng như kỳ vọng chứ không giảm nhiều" - ông Hòa nói.
Sản xuất rau hữu cơ tại trang trại Nhất Thống (huyện Nhà Bè, TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH
Thị trường chưa đủ lớn
Một số DN lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho hay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất, phát triển thị trường vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến chưa tối ưu chi phí, giá thành cao nên đầu ra còn hạn chế.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho rằng bối cảnh hiện tại, chỉ những DN thật sự tâm huyết mới có thể kiên trì theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ. "Nông trại gần 200 ha của Vinamit ở Bình Dương đã canh tác hữu cơ từ 8 năm nay, chủ yếu cung cấp cho các siêu thị tại TP HCM và hệ thống bán lẻ của Vinamit. Với trang trại được đầu tư bài bản về con người, trung tâm sinh học, phòng lab, phòng lạnh và quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, mỗi kg rau hữu cơ đúng nghĩa từ trang trại Vinamit có giá từ 80.000 đồng/kg trở lên. Mức giá này hoàn toàn không thể cạnh tranh với giá rau chợ" - ông Viên nêu dẫn chứng.
Các DN nhìn nhận, những rào cản thị trường do giá sản phẩm hữu cơ cao, phân khúc khách hàng hẹp, quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức lẫn tiền bạc khiến nhiều DN phải rời sân chơi hữu cơ sau vài năm theo đuổi.
Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) - là một trong những DN lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương - kể câu chuyện Unifarm từng làm nông nghiệp hữu cơ nhưng đã dừng đầu tư phát triển vì nhiều lý do. Nhiều bạn bè của ông đang sản xuất hữu cơ cũng dần bỏ cuộc vì quá vất vả trong khi đầu ra phập phù.
"Hữu cơ là tiêu chuẩn rất cao, có thị phần nhất định nhưng đang có tình trạng một bộ phận người kinh doanh mạo nhận nguồn gốc sản phẩm hữu cơ hay sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao" - ông Liêm nêu thực trạng. Vì vậy, ông Liêm cho rằng trong nền nông nghiệp chất lượng còn chưa minh bạch, chiến lược của công ty là chọn sản phẩm, đầu tư vào công nghệ và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nhằm nhân rộng cách thức sản xuất nông sản an toàn, mang lại sự hài hòa về lợi ích. Và, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, DN, nông dân sản xuất - kinh doanh phải làm thật, làm đúng chất lượng.
"Chúng ta chỉ nhau cách làm nông sản an toàn, minh bạch, rõ ràng và nhân rộng ra để người tiêu dùng sử dụng rau an toàn. Sau khi làm tốt được bước một đó sẽ làm tiếp bước thứ hai là sản xuất hữu cơ" - ông Liêm nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai), cho rằng khuynh hướng nông nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong tương lai là nông nghiệp sinh thái, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một phần quan trọng. Trong khi tâm lý của người tiêu dùng vẫn còn e ngại với khái niệm sản phẩm sản xuất hữu cơ thì thị trường hiện nay chưa đủ lớn để nhà sản xuất toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực này.
Theo ông Luân, chính nông dân là những người thúc đẩy cho nông nghiệp hữu cơ. "Trong khi kinh tế thị trường, nông dân, DN phải lắng nghe thị trường, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không thể đi ngược xu hướng" - ông Luân bày tỏ.
Xem thêm: mth.76720620282503202-ial-oc-gnad-oc-uuh-peihgn-gnon-peihgn-iohk/et-hnik/nv.moc.dln