Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ mà TP.HCM triển khai trong năm nay nhằm giúp doanh nghiệp Việt vượt khó, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh để tạo đà tăng trưởng dài hạn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua kết nối, thành phố cũng nhận thấy đẩy mạnh kinh doanh, kết nối trên môi trường số, chợ online… sẽ giúp các nhà xuất khẩu giảm các chi phí phát sinh cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng. Sở đã làm việc với nhiều nền tảng, đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau để có giải pháp hỗ trợ thích ứng nhanh nhất.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Phương, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về mặt kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.
Ông Huỳnh Kim Tước, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho biết đơn vị sẽ cùng Sở Công Thương TP tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, hướng dẫn các doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế đối với các nông sản hướng đến xuất khẩu bền vững.
Đặc biệt, chương trình cũng muốn thay đổi suy nghĩ của các doanh nghiệp là xuất khẩu qua chợ online chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, thực tế các doanh nghiệp lớn hoàn toàn có thể tham gia, doanh số bán hàng đạt hàng triệu USD là không còn hiếm.
Theo ông Tước, doanh nghiệp Việt Nam có thể đi theo hướng kinh tế số, công nghệ số để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đi các nước. Trên kênh mua sắm này, không chỉ có các sản phẩm thời trang, tiêu dùng mà nông sản cũng là mặt hàng có thể kinh doanh online hiệu quả.
Năm 2022, Việt Nam thuộc top 5 về tăng trưởng xuất khẩu trong không gian mạng và tiềm năng này còn rất nhiều dư địa để khai phá.
Ông Nguyễn Đình Tùng, phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết Việt Nam có lợi thế sản xuất rất đa dạng các loại nông sản, nhưng chưa biết cách thu hút khách quốc tế.
Tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề "Nông sản Việt Nam vươn xa" vừa diễn ra ở TP.HCM, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết muốn xuất khẩu thành công thì phải trả lời được câu hỏi "Làm sao đưa được sản phẩm ngon nhất đến người tiêu dùng quốc tế?".
"Ngay khi Việt Nam có danh hiệu loại gạo ngon nhất thế giới ST25, chúng tôi đã bắt tay vào xuất khẩu gạo này sang Mỹ, nhưng con đường đi hết sức chông gai.
Lúc gạo chưa kịp cập bến thì một loạt tin giả về sản phẩm của Việt Nam ở trong nước như ST25 tràn lan gạo giả, sản lượng gạo thật không đủ bán... dù hàng vào Mỹ phải đáp ứng rất nhiều quy trình kiểm tra, chất lượng của cơ quan quản lý.
Nếu không có sự đầu tư, bền bỉ thì rất khó trụ lại được thị trường nước ngoài", ông Tùng chia sẻ.
Vị doanh nhân cho rằng ngoài chất lượng, nông sản xuất khẩu của Việt Nam cần chú ý xây dựng thương hiệu, tránh trường hợp mạnh ai nấy làm, tự phá giá sản phẩm.
2.000 khách trong nước và quốc tế đến TP.HCM tìm kiếm cơ hội xây dựng nguồn cung mới từ các nhà xuất khẩu của Việt Nam.