Thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước thiếu nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân là do từ năm 2023 khi chuyển đổi chương trình mục tiêu y tế dân số thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, trong đó có bố trí ngân sách để mua vắc xin.
Các địa phương phải bố trí ngân sách đảm bảo để mua vắc xin. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển ngân sách để địa phương mua vắc xin có vướng mắc về giá, đấu thầu,… dẫn đến gián đoạn nguồn cung.
Ông Lê Thành Công, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho hay để đảm bảo nguồn cung vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương, Bộ Y tế đã có tờ trình báo cáo Chính phủ và đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể, đối với vắc xin sản xuất trong nước: Bộ Y tế đề nghị có thể thực hiện theo hình thức đặt hàng (bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vắc xin uốn ván hấp phụ (TT); vắc xin phòng lao đông khô (BCG); vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; sởi; sởi - Rubella (MRVAC); bại liệt (bOPV).
Các loại vắc xin sản xuất trong nước, các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế; thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí; tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định, phê duyệt giá đặt hàng.
Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Đối với vắc xin nhập khẩu: vắc xin bại liệt IPV, vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota, Bộ Y tế đã làm việc với một số tổ chức quốc tế và nhà tài trợ cam kết sẽ đảm bảo cho nhu cầu vắc xin năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Riêng vitamin A liều cao đã được bảo đảm tài trợ cho năm 2023.
Vắc xin Rota mới đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng năm nay, nhà tài trợ sẽ đảm bảo cung cấp 20%, số còn lại 80% sẽ thực hiện mua sắm trong nước.
Đối với vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1), Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung. Các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương.
"Thời gian tới, trên cơ sở nghị quyết cho phép của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện mua sắm vắc xin, đảm bảo cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng", ông Công cho hay.
Phát biểu tại một hội nghị về tiêm chủng ngày 23-5, bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - khẳng định tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng vắc xin và dự kiến thời gian bao lâu địa phương nhận được vắc xin.
Trước đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết việc chưa mua được vắc xin một phần do quy định mới về ngân sách giao địa phương tự đấu thầu tự mua, thay vì Bộ Y tế mua và cấp như trước đây.
"Tiền mua vẫn là ngân sách, mua tập trung số lượng lớn chắc chắn sẽ rẻ hơn, còn để địa phương mua có thể xảy ra tình huống Hà Nam mua giá 10 đồng, Nam Định gần đó lại mua được 9,5 đồng, như thế giải trình như thế nào? Chúng tôi mong Bộ Y tế vẫn mua như trước, sau đó chuyển ngân sách chi cho vắc xin từ địa phương về chi trả" - vị này nói.
Trong khi đó, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết đấu thầu vắc xin đặc thù hơn so với đấu thầu thuốc, số lượng mặt hàng ít hơn, việc vì sao giá như vậy, hồ sơ thế nào... địa phương chưa làm bao giờ nên cũng lúng túng và cần một lộ trình.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.