Nhằm hiểu rõ hơn về quyết tâm cũng như lý do TP.HCM đề xuất thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền trong dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Phục hồi hợp đồng BT là cần thiết
. Phóng viên: Thưa ông, không thể phủ nhận hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là một hình thức tốt để huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển TP nhưng ông có thể cho biết vì sao TP.HCM lại đề xuất phục hồi khi mà trước đây hình thức này đã bị dừng theo Luật Đầu tư?
+ Ông Trương Minh Huy Vũ: Thời gian qua, khi làm các dự án BT chúng ta đã có những cách làm chưa đúng, chưa chính xác… dẫn đến câu chuyện hình thức đầu tư này bị dừng. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là cần thiết. Nhu cầu này được viện dẫn trong đề án của TP.HCM gửi ra trung ương đề xuất trong dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trước đây chúng ta lại loại hình thức BT ra khỏi luật? Đó là vì khi triển khai đã làm không đúng, rồi vướng mắc vấn đề về định giá…
Điểm quan trọng tiếp nữa là bên cạnh việc xử lý các dự án BT đang tồn đọng ở TP.HCM, chúng ta cũng muốn làm tiếp dự án mới theo hình thức BT để phát triển cơ sở hạ tầng của TP trong thời gian tới.
Tinh thần của dự thảo nghị quyết lần này là xin phục hồi việc trước đây chúng ta làm chưa đúng, chưa đủ, chưa hợp lý. Vì vậy, chắc chắn lần này chúng ta phải làm với tinh thần chính xác, chuẩn mực nhất có thể.
Cầu, đường Bình Tiên, một dự án BT vẫn nằm “trên giấy” nhiều năm nay chưa được triển khai ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
. Vậy theo ông, TP.HCM cần có cam kết gì, chịu trách nhiệm ra sao nếu hình thức BT được phục hồi và thông qua, đồng thời cách tổ chức thực hiện nghị quyết mới sẽ như thế nào để TP làm đúng cam kết đó?
+ Trước hết cần phải khẳng định đây là hình thức đầu tư cần thiết và khi TP đề nghị làm lại thì TP sẽ chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Đó là tinh thần xuyên suốt của dự thảo nghị quyết lần này. Tinh thần này là tinh thần của TP.HCM, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chúng ta dám đề xuất thì mới có những thành quả và chúng ta chịu trách nhiệm với đề xuất đó. Khi TP đề xuất phục hồi BT thì TP tự chịu trách nhiệm và việc chịu trách nhiệm này là sự ràng buộc rất quan trọng về mặt pháp lý.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết lần này có điểm khác biệt rất quan trọng so với Nghị quyết 54 trong việc tổ chức thực hiện. Đó là khi làm dự thảo nghị quyết, các ban ngành sẽ cùng lúc soạn thảo dự thảo nghị định liên quan. Như vậy, sau khi nghị quyết được thông qua thì nghị định cũng đã có. Trước đây, khi tổng kết Nghị quyết 54, TP cho rằng khâu tổ chức thực hiện không tốt (một trong những lý do đó là nghị định không đồng bộ). Lần này việc thực hiện nghị định từ đầu với các bộ, ban ngành sẽ thuận lợi hơn trong công tác tổ chức thực hiện.
Hình thức đầu tư nào cũng sẽ có rủi ro
. Trước đây, hợp đồng BT được thanh toán bằng quỹ đất, nay TP đề xuất thí điểm thanh toán bằng tiền ngân sách. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
+ Lần này TP.HCM đề xuất phục hồi hình thức BT và việc thực hiện sẽ thông qua hai kênh là thanh toán bằng đất và bằng tiền.
Hợp tác công tư (PPP) là Nhà nước và tư nhân cùng làm. Thông thường các dự án PPP là dự án vốn lớn thì chắc chắn có những rủi ro (vốn càng lớn rủi ro càng cao) và nguy cơ nhất định (nếu so với 100% vốn đầu tư công).
Khi thanh toán hợp đồng BT bằng tiền sẽ gặp nhiều rủi ro, một trong những rủi ro đó là lãi vay. Cũng có nhiều chuyên gia đề nghị nên có quỹ PPP từ ngân sách để hỗ trợ thêm như khi kinh tế tăng trưởng hay đang đi xuống, rồi khách quan như dịch COVID-19 khiến dự án không thể đáp ứng tiến độ. Quỹ PPP này là để chia sẻ rủi ro.
Còn đối với hình thức thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất thì việc định giá đất, tính tiền sử dụng đất không chỉ là khó khăn mà cũng là rủi ro. Rủi ro vì phải định giá theo giá thị trường, theo Luật Đất đai sửa đổi. Câu chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 nhanh là do chúng ta áp giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường nên người dân đồng thuận. Với rủi ro như vậy, chúng ta càng phải có cơ chế, càng công khai, minh bạch để bảo vệ những người làm công tác này.
. Xin cảm ơn ông.•
Làm thế nào để thu hút nhà đầu tư?
Nói về việc TP.HCM phải làm gì, có chính sách ra sao để thu hút các nhà đầu tư quan tâm và cùng thực hiện hợp đồng BT trong thời gian tới, ông Vũ cho rằng không chỉ là chính sách với nhà đầu tư mà phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu.
Như câu chuyện dự án đường vành đai 3 TP.HCM được coi là dự án hình mẫu chuẩn bởi ngay từ đầu đã có sự chuẩn bị về ban bệ, tiêu chí, thông báo… mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng. Ở các địa phương có đường vành đai 3 đi qua, khi người dân nhận tiền bồi thường, họ được thông tin ngay tiến độ dự án nên rất vui vẻ đồng thuận.
Theo ông Vũ, để phát triển đô thị, nhất là đô thị đã hình thành như TP.HCM thì cần sự chung tay của rất nhiều người, rất nhiều đơn vị. “Sẽ có những dự án quy mô 30.000 tỉ đồng và những dự án lớn ở TP trong thời gian tới, hay cả trung tâm sáng tạo của các tập đoàn lớn. Vậy làm sao để thu hút những nhà đầu tư lớn? Tất nhiên ngoài chính sách ưu đãi về đất thì phải có nguồn lực, con người, sự minh bạch ngay từ đầu. Quay lại câu chuyện khi chúng ta muốn phát triển thì chúng ta phải dám đề xuất thí điểm thì mới có thành quả” - ông Vũ nói.