Nhiều ngân hàng lớn cho biết đang có nghịch lý là "đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay với lãi suất thấp nhưng tìm không ra, trong khi khách hàng sẵn sàng vay nhưng ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.
Lãi suất huy động giảm nhanh, cho vay giảm chậm
Bà Trần Thị Nhiễu (Hà Nội) cho hay vừa đáo hạn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng nên tham khảo ngân hàng có lãi suất huy động hợp lý để gửi lại. Tuy nhiên, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng lớn chỉ còn 6,8%/năm, trong khi tại các ngân hàng nhỏ cũng quanh mức 8%/năm.
Ghi nhận cho thấy lãi suất tiết kiệm xuống rất nhanh. Chẳng hạn từ đầu tháng 5 đến nay, VPBank đã hai lần giảm lãi suất huy động, kỳ hạn 12 tháng từ 8,2%/năm xuống còn 7,7%/năm. Chị Trần Kim Như (quận 7) cho biết cảm thấy choáng vì lãi suất huy động giảm nhanh quá. Tại những ngân hàng trong nhóm Big4, lãi suất huy động giảm 0,3-0,6%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Chẳng hạn tại Vietcombank, kỳ hạn 1-2 tháng niêm yết chỉ còn 4,1%/năm; 3 tháng còn 4,6%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,8%/năm, thay cho mức đầu tuần là 7,2%/năm. Nhóm ngân hàng cổ phần có lãi suất cao hơn nhưng kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ phổ biến ở mức 7-8%/năm. "Những sổ tiết kiệm đáo hạn tôi vội vàng chuyển sang kỳ hạn dài vì dự đoán thời gian tới lãi suất còn giảm mạnh hơn nữa", chị Như nói.
Trong khi lãi suất huy động đã giảm sâu, lãi suất cho vay giảm rất chậm dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành, trung bình 1 tháng/lần. Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn, cho biết doanh nghiệp này vay vốn tại một ngân hàng trong nhóm Big4 và đã được giảm lãi suất cho vay khoảng 1,2%/năm so với mức đỉnh.
"Chúng tôi vay vốn lưu động ngắn hạn, thông thường kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất cao nhất đầu năm nay là 9,7%/năm. Sau hai đợt giảm, lãi suất chỉ còn 8,5%/năm, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, cái khó là thị trường, đơn hàng giảm, sức mua yếu. Cùng với việc giảm lãi suất, kỳ vọng thị trường cũng ấm trở lại để doanh nghiệp vực dậy kinh doanh", ông Linh nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, nhất là người vay mua nhà vẫn phải trả lãi suất cao. Chị Ngọc Minh - phó giám đốc Công ty TNHH T.B (Hà Nội) - kể vừa làm việc với ngân hàng về khoản vay 2 tỉ đồng để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn cho cá. "Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa dám ký hồ sơ vì lãi suất cho vay là 11%/năm, vẫn còn quá cao dù vừa được giảm 0,5%, trong khi kỳ hạn cho vay tối đa chỉ 6 tháng", chị Minh nói.
Ông Ngô Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết số tiền 300 triệu đồng vay mua nhà trong 10 năm đã đi được đến năm thứ 7. Dù nợ gốc giảm, nhưng từ tháng 3 đến nay số tiền hằng tháng phải trả lại tăng so với hồi đầu năm. "Tôi được nhân viên ngân hàng giải thích là do lãi suất tăng. Cuối năm ngoái là 10,5%/năm, nhưng hiện giờ là 13%/năm" - ông Hùng nói.
"Đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay?
Tại một cuộc họp với NHNN vào tuần qua, ông Lê Quang Vinh, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết từ đầu năm đến nay ngân hàng này đã có hai đợt giảm lãi suất. Đợt 1 từ 1-1 đến 30-4, giảm 0,5%/năm cho 130.000 khách hàng. Đợt 2 từ 1-5 đến 31-7, ngân hàng này giảm lãi suất cho khoảng 110.000 khách hàng.
Một Big4 khác là Agribank cũng đã có năm lần hạ lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay. Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Agribank, cho biết từ nay đến 30-9, ngân hàng sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung - dài hạn hiện hữu. Uớc tính khoảng 2 triệu khách hàng sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỉ đồng.
Ông Phạm Như Ánh, tổng giám đốc Ngân hàng MB, cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI, nhưng tìm "đỏ mắt" cũng không có khách hàng thỏa tiêu chí như mong đợi để cho vay.
"Giữa các ngân hàng lớn cũng cạnh tranh gay gắt để kéo khách hàng tốt về. Trong khi đó các doanh nghiệp sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì không nhìn thấy phương án kinh doanh cũng như dòng tiền khả thi", vị này nói.
Theo ông Phạm Thanh Hà, phó thống đốc NHNN, đến nay mặt bằng lãi suất cơ bản đã ổn định. Lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm. So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37%/năm, còn lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành tới ba lần trong hơn hai tháng qua nhưng lãi suất cho vay chưa theo kịp với mức giảm của lãi suất huy động là vì ngân hàng lo ngại rủi ro cho sức khỏe doanh nghiệp. "Trong tương lai lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nhưng với điều kiện các yếu tố kinh tế thuận lợi và sức khỏe doanh nghiệp tốt lên", ông Hiếu nhận định.
Chi phí trả lãi tiền gửi tăng mạnh
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau cuộc đua lãi suất huy động cuối năm ngoái, các ngân hàng đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi. Báo cáo tài chính quý 1 vừa qua cho thấy chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Có 9 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.
Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở hầu hết ngân hàng. Đó chính là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm sâu như mong đợi.
Bốn tháng đầu năm, hơn 15.400 doanh nghiệp tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động. Một nửa trong số những doanh nghiệp may mắn còn "sống sót" thì sản xuất cầm chừng để giữ lao động.