Ngày 31.5, tin từ Viện KSND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phan Công Quốc (37 tuổi, ngụ ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) về hành vi cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép.
Qua điều tra xác định, năm 2007, Quốc xuất cảnh sang Nga lao động tại các xưởng may quần áo do người Việt Nam làm chủ. Năm 2011, Quốc tự mở xưởng may tại Nga nhưng không đăng ký giấy phép kinh doanh. Do thiếu người lao động nên Quốc liên hệ ông La Văn Lợi, bà Nguyễn Thị Nga, ông Nguyễn Đăng Nghiêm (là cha dượng, mẹ và cha vợ Quốc, cùng ngụ Sóc Trăng) tìm người có nhu cầu để đưa sang Nga làm việc cho Quốc.
Sau khi ông Lợi, bà Nga, ông Nghiêm tìm được người, Quốc gọi điện thoại thỏa thuận với người lao động về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc và tiền lương. Chi phí vé máy bay và giấy tờ liên quan do Quốc đứng ra lo và chi trả. Nếu người lao động đồng ý thì đưa trước cho ông Lợi, bà Nga, ông Nghiêm khoảng 40 triệu đồng/người; người không đủ tiền thì có thể không đưa hoặc đưa trước từ 5 - 15 triệu đồng, số còn lại Quốc sẽ trừ vào tiền lương khi sang làm việc cho Quốc.
Ngoài ra, Quốc yêu cầu người lao động tự làm hộ chiếu, giấy khám sức khỏe rồi đưa cho ông Lợi, bà Nga, ông Nghiêm để xin cấp thị thực và mua vé máy bay. Quốc còn yêu cầu người lao động phải làm giấy cam kết (viết tay) với thời gian ở lại Nga làm việc cho Quốc 3 năm, nếu về trước thì phải đền bù toàn bộ chi phí sang Nga.
Không trả giấy tờ tùy thân để cưỡng ép lao động ở lại Nga làm việc
Ông Lợi, bà Nga, ông Nghiêm đứng ra nhận tiền rồi thông qua bà Vũ Thị Mai Xinh, ông Bùi Văn Dần (ngụ TP.HCM) để chuyển tiền từ Việt Nam sang Nga cho Quốc. Khi người lao động đến Nga, Quốc đón và đưa về xưởng may làm việc, ăn ở và sinh hoạt tại xưởng. Tại đây, Quốc thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân và hộ chiếu của người lao động. Đồng thời, khóa cửa xưởng may, không cho người lao động ra ngoài.
Do điều kiện ăn ở, làm việc khó khăn và thời tiết khắc nghiệt nên sau một thời gian làm việc, một số lao động yêu cầu được về Việt Nam, nhưng Quốc không đồng ý. Người nào kiên quyết về trước thời hạn thì Quốc yêu cầu người thân của người đó ở Việt Nam phải đưa cho ông Lợi, bà Nga từ 18 - 65 triệu đồng.
Sau khi ông Lợi, bà Nga nhận được tiền, Quốc trả lại giấy tờ tùy thân, hộ chiếu và thuê dịch vụ đưa người lao động về Việt Nam. Đối với người lao động không được người thân đưa tiền thì Quốc không trả giấy tờ tùy thân để cưỡng ép họ ở lại Nga làm việc.
Sau một thời gian do không còn khả năng lao động, có 10 người thông qua người thân ở Việt Nam đưa tiền cho bà Nga để chuyển cho Quốc để được về Việt Nam. Sau khi về Việt Nam, những người này (ngụ Bạc Liêu) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu tố giác hành vi của Quốc.
Bằng cách thức và thủ đoạn nêu trên, từ năm 2012 - 2016, Quốc đã đưa 70 người từ các tỉnh, thành Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Nội sang Nga làm việc tại xưởng may cho Quốc. Trong đó, Quốc cưỡng ép 39 người ở lại Nga làm việc cho mình.
Từ đơn tố cáo của người dân, ngày 15.11.2022, Cơ quan CSĐT điều Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện Phan Công Quốc về nơi thường trú ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng, nên triển khai quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Quốc.