Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi Thủ tướng kết quả khảo sát tình hình người lao động trong năm nay. Khảo sát được Ban IV phối hợp cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4 với 8.343 người lao động tham gia cho thấy một bức tranh thị trường bị tác động nặng nề do những biến động kinh tế gần đây.
Theo đó, 31% người lao động trả lời tại thời điểm tham gia khảo sát ở trong tình trạng không có việc làm. Những người này tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành bất động sản (53%), xây dựng (44%), du lịch - khách sạn nhà hàng (43%). Nếu xét theo địa phương, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng (đều trên 30%).
Dù vậy, việc tìm kiếm cơ hội mới là rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí, tỷ lệ người thất nghiệp có thể gia tăng trong thời gian tới.
Khảo sát cho thấy 34% người lao động nói vấn đề lớn nhất hiện nay là không tìm được việc; 24% nhìn nhận không xác định được thời điểm doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Tỷ lệ người lao động không có việc làm do không biết ngoại ngữ và đủ trình độ, tay nghề lần lượt là 15% và 12%. So với khảo sát hồi tháng 11/2021 khi Covid-19 xảy ra, con số này cao hơn 5% và 1%. Điều này cho thấy việc lao động cần được đào tạo lại và học ngoại ngữ trở thành vấn đề cấp thiết.
Người lao động cũng gặp nhiều rào cản liên quan đến thông tin tuyển dụng; chưa đạt yêu cầu về trình độ, tay nghề hay ngoại ngữ. So với khảo sát hồi tháng 11/2021 khi Covid-19 xảy ra, con số này cao hơn.
Nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường lao động màu xám là tình hình kinh tế không thuận lợi, doanh nghiệp đang rơi vào trạng thái kiệt sức. Cụ thể, 32,4% lao động được khảo sát nói họ không có việc do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng. Còn 27,1% chia sẻ bị sa thải vì doanh nghiệp không có đơn hàng, phải giảm quy mô lao động.
Navigos Group sáng 31/5 cũng cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng qua giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái - tức giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Các ngành nghề có mức giảm chú ý gồm du lịch - nhà hàng, khách sạn; dệt may, da giày; xây dựng, bất động sản; thu mua, vật tư, cung vận; logistics; công nghệ thông tin.
Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, hơn 88.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm. Khảo sát của VnExpress và Ban IV với gần 10.000 doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh đặc biệt khó khăn khi 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của 2023. Các doanh nghiệp còn hoạt động hầu hết cũng tính đến phương án giảm nhân sự.
Để giải quyết các vấn đề trên, Ban IV kiến nghị Thủ tướng lúc này cần trợ lực ngay cho doanh nghiệp để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động.
Các giải pháp cụ thể như kéo dài thời hạn giảm VAT; Giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới; Tiếp tục khơi thông dòng vốn bằng cách giảm lãi suất, giãn hoãn khoanh nợ.
Chính phủ cũng có thể cân nhắc đến các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương hoặc đào tạo lao động. Ngoài ra, để người lao động có thể trở lại thị trường thuận lợi, Chính quyền cấp trung ương, địa phương cũng cần hỗ trợ họ các khóa học nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ.
Đức Minh