Một ngày cuối tháng 5, hai chiếc quạt điện chạy vù vù vẫn không thể xua đi cái nóng hầm hập phả ra từ khu nhà trọ bệnh nhân.
Chị Phùng Thị Huệ (43 tuổi, quê Thanh Hóa) đăng ký chiếc giường trọ ở tầng 1 - ngoài cùng để tiện cho việc chăm sóc con gái Nguyễn Thị Anh Thư (15 tuổi), dìu con lên chiếc xe lăn đến điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
Chị PHÙNG THỊ HUỆ - mẹ bé Anh Thư
"Mổ lần đầu, con tỉnh. Con nói: "Con rất thương mẹ, mẹ không chịu đau giống con được đâu". Con kể đau nhiều quá phải tì tay vào giường bệnh viện, con làm thế để cho mẹ khỏi buồn. Nghĩ đến lời nói của con mà mẹ không biết phải làm sao nữa!
- Thư còn đau không con?
- Con có.
- Con có thích quà 1-6 không?
- Có ạ. Con thích búp bê hoạt hình.
- Thế ước mơ của con là gì? - Đứa trẻ ấy lắc đầu.
Sau bốn lần phẫu thuật, Anh Thư bị suy giảm trí nhớ. Người mẹ cho biết sau quá trình điều trị kết hợp với châm cứu, nay con đã hồi phục được 3 - 4 phần, đã có thể nhớ ra một chút và có thể trò chuyện với người xung quanh.
Giành giật sự sống cho con
Gia đình chị Huệ thuộc diện hộ nghèo. Ngày trước chồng làm công nhân ở miền Nam, còn chị ở nhà đi mổ cá thuê cho người ta, thay chồng chăm sóc bốn cô con gái.
Các con chăm ngoan, học giỏi, luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Thế nhưng, cú sốc ập đến đã phá vỡ đi cuộc sống vốn dĩ bình yên nơi làng chài.
Một ngày tháng 3-2022, đang đi học, Anh Thư (con gái thứ hai của chị Huệ) bị đau đầu, buồn nôn. Đưa cháu đi khám ở tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản, bị ảnh hưởng sau hậu COVID-19. Bác sĩ chỉ định cháu nằm viện vài ngày nhưng Thư nhất quyết đòi về đi học.
Nhưng đêm đó, cháu lên cơn đau, người mẹ gấp rút đưa con lên bệnh viện tuyến tỉnh. Ở đó, bác sĩ chẩn đoán con có khối u nguyên bào tủy (khối u hố sau), kích thước lớn và đến 95% là u ác.
"Lúc ấy tôi không thể nào tin được kết quả đó. Nếu con có biểu hiện gì thì mẹ còn chấp nhận, nhưng trước đó con rất bình thường, Tết còn đòi mẹ chụp hình với áo dài, là đứa trẻ ngoan ngoãn hiền lành" - người mẹ nhớ lại giây phút hay tin dữ.
Tức tốc, người mẹ xin cho con được chuyển lên tuyến trên đến Bệnh viện Nhi trung ương. Vừa đến nơi, Thư được đưa vào khoa cấp cứu, được các bác sĩ phẫu thuật trong đêm, giành lại sự sống cho em.
Từ ngày con nằm giường bệnh, chị không rời con. Khi sức khỏe hồi phục, bác sĩ cho Thư về nhà. Ba tháng sau lên Hà Nội tái khám, Thư khỏe mạnh, hồng hào hẳn, ai cũng mừng cho cô gái nhỏ.
Nhưng một lần nữa, người mẹ ấy lại chứng kiến giây phút con gái đau đớn cận kề "cửa tử". Chị nhớ ngày 19-12-2022, Thư lên cơn đau, nôn mửa, chị đưa con đến bệnh viện tỉnh bác sĩ trả về.
Người mẹ ấy không thể chấp nhận được kết quả đó. Chị cố gắng gọi tên con, nước mắt của con trào ra, chị tin con vẫn nhận ra mẹ.
Chị xin bác sĩ cho chị cơ hội cuối cùng để cứu sống con. Nếu chuyến đi này các bác sĩ ở trung ương trả về, chị sẽ xin quay đầu xe cấp cứu để về ngay.
Một lần nữa, chuyến xe cấp cứu đưa hai mẹ con chị từ Thanh Hóa ra Bệnh viện Nhi trung ương. Trong khi ở nhà, họ hàng, người thân đã làm công tác chuẩn bị đón Thư về. "Còn nước còn tát, tôi không thể chấp nhận mất con được" - chị quả quyết.
Ước mong của mẹ
Trên chiếc giường nhỏ đủ cho hai mẹ con nằm, người mẹ nắm chặt lấy tay con gái. Nghe mẹ kể chuyện, chốc chốc Thư lấy tay lau nước mắt, rồi em lại cười khi thấy mẹ nói về ước mong cho con gái được khỏe mạnh, sống lâu bên mẹ.
Chị Huệ nói, nếu không có các y bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) tận tình cứu chữa thì có lẽ hai mẹ con chị chẳng thể ngồi ở đây như ngày hôm nay.
Sau phẫu thuật, Anh Thư bị liệt nửa người bên phải. Ròng rã hơn một năm qua, người mẹ ấy bỏ lại quê nhà, cùng con bám trụ ở viện chiến đấu với bệnh tật.
Xong hóa - xạ trị đồng thời, mẹ đưa con gái đến phòng châm cứu rồi tập vật lý trị liệu. Từ ngày lên Hà Nội, mọi chuyện ở quê chị đành cậy cô con gái lớn và họ hàng chăm sóc các con.
"Chưa lúc nào tôi rơi nước mắt trước mặt con, có khóc cũng giấu vào trong hoặc lén khóc nơi khác. Nhiều hôm hai ngày chỉ ăn được gói mì tôm hoặc chẳng ăn uống gì, nhìn thấy con bệnh tật tôi cũng không thể nuốt được" - chị bộc bạch.
Chị nói người ta đổ bệnh còn kéo dài được đôi ba năm, còn con gái chị đổ bệnh nhanh quá. Và chị thương Anh Thư bởi con đang ở độ tuổi mộng mơ, tuổi hồn nhiên cắp sách đến trường.
"Bao giờ các bác sĩ nói không còn một chút hy vọng nào nữa thì mẹ mới đành lòng. Còn nếu các bác sĩ nói còn tia hy vọng thì mẹ sẽ quyết tâm đến cùng. Bây giờ mẹ chỉ ước mong được nhìn thấy con ngày nào hay ngày đó" - chị Huệ ước mong.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Nguyễn Văn Đăng, trưởng khoa xạ đầu cổ Bệnh viện K, chia sẻ bệnh nhân Anh Thư bị mắc bệnh u nguyên bào tủy, đã được phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi trung ương. Sau khi được phẫu thuật lấy u, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện K.
Bác sĩ Đăng cho biết với trường hợp bệnh nhi bị khối u rất lớn và một phần di căn trên màng não, nên sau khi phẫu thuật, ngoài điều trị hóa chất - trị xạ cần phối hợp với các biện pháp y học cổ truyền, vật lý trị liệu.
Bên cạnh đó, do khối u kích thước lớn nên Thư có biểu hiện tổn thương tâm lý, vì vậy các bác sĩ phải phối hợp với chuyên khoa tâm lý để hỗ trợ điều trị cho em.
"Ấn tượng nhất với tôi là sự quyết tâm của cháu Anh Thư và gia đình. Anh Thư có quyết tâm trong quá trình điều trị, tuân thủ đúng giờ giấc xạ trị, điều trị hóa chất cũng như tái khám. Với gia đình là sự chăm sóc cho con trong quá trình điều trị, mẹ cháu đã rất cố gắng" - bác sĩ Đăng chia sẻ.
Bác sĩ cũng cho biết trường hợp của Anh Thư đang phải kết hợp các liệu pháp điều trị kết hợp nên gia đình gặp phải gánh nặng rất lớn về kinh tế.
TTO - 'Máu hay tiểu cầu là nguồn sống rất đặc biệt, nó không to tát như hiến tạng nhưng nó cũng là tế bào sống mà mình hiến tặng. Không có máy móc hiện đại nào điều chế ra được máu, chỉ có bản thân con người mới sản xuất được chế phẩm kỳ diệu ấy'.