- Những người lính thầm lặng trong bức ảnh lịch sử chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập
- Ký ức ngày 30-4 tại Dinh Độc lập của những người lính xe tăng
Đã qua 45 năm kể từ ngày được đặc cách công nhận Di tích lịch sử - văn hóa; 31 năm mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan và hơn 10 năm được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, Dinh Thống Nhất là điểm đến hấp dẫn, mỗi ngày thu hút hàng ngàn du khách… Đến đây trong những ngày tháng Tư lịch sử, PV Báo CAND còn phát hiện thêm nhiều điều hết sức thú vị.
Ban đầu, dinh được đặt tên Norodom - cùng tên với đại lộ phía trước chạy thẳng vào Dinh, nay là đường Lê Duẩn. Công trình xây dựng dinh mang tên Quốc vương Campuchia bấy giờ (Vua Norodom 1834-1904) do Sở Công chánh Sài Gòn đảm trách với chi phí bằng 4.714.662 Francs, tương đương 1/4 ngân sách thuộc địa.
Theo một tài liệu, tình cờ trong một dịp ghé Hồng Kông, Chuẩn Đô đốc Ohier và Roze (sau đó đều từng là Thống đốc Nam Kỳ) gặp kiến trúc sư Achille Antoine Hermitte – tác giả của công trình Tòa thị sảnh Hồng Kông. Về Việt Nam, Ohier và Roze đã đề cử Hermitte thiết kế dinh Norodom. Đề cử này được Thống đốc Nam Kỳ La Grandière chấp thuận.
Trước đó, một dinh thự bằng gỗ được dựng cuối đường Catinat (nay là Đồng Khởi, trong khuôn viên Trường chuyên Trần Đại Nghĩa - PV). Đây được xem là dinh thự đầu tiên mà lãnh đạo cao nhất của người Pháp - Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn, ở và làm việc. Dinh thự gỗ này được dựng vào cuối năm 1861 – sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn. Cho tới khi đã chiếm toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, vào ngày 23/2/1868, người Pháp mới khởi công xây Dinh Norodom như vừa kể.
Viên đá đầu tiên ghi dấu mốc này được lấy từ Biên Hòa. Đó là khối đá có hình vuông rộng mỗi cạnh 50cm, có lỗ bên trong chứa những đồng tiền hiện hành bấy giờ bằng vàng, bạc, đồng có chạm hình Napoléon đệ tam. Phần lớn vật tư xây dựng, họa tiết trang trí, điêu khắc đều mang từ Pháp sang.
Do quân đội Pháp thất bại trong cuộc chiến Pháp - Phổ, Napoleon đệ tam bị bắt, nên mãi đến năm 1875, Dinh Norodom mới hoàn tất việc trang trí, dù công trình đã xong từ tháng 9/1869. Từ đó đến năm 1887, dinh này dành cho Thống đốc Nam kỳ nên được gọi là Dinh Thống đốc. Trong suốt 58 năm sau đó, các Toàn quyền Đông Dương đã chọn đây làm nơi ở và nơi làm việc nên dinh được gọi là Dinh Toàn quyền.
Sau Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, Dinh Toàn quyền thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng cũng chỉ được 6 tháng sau, khi Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ II, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, nơi đây trở thành trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Sau Hiệp định Genève, cụ thể vào ngày 7/9/1954, dinh được Đại tướng năm sao Paul Ely (đại diện cho Pháp) bàn giao cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm – đại diện Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Và trước khi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại để lên làm Tổng thống VNCH, Ngô Đình Diệm đổi tên nơi đây thành Dinh Độc Lập.
Dấu đỏ là vị trí quả bom do Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung ném xuống vào sáng 8/4/1975. |
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy) – nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tác giả của sách “Mỹ thuật đô thị Sài Gòn – Gia Định từ năm 1900 đến 1975” cho biết, khi đổi tên thành Dinh Độc Lập, Ngô Đình Diệm cũng quyết định Huy hiệu của chế độ Đệ nhất Cộng hòa (ĐNCH) là hình bụi trúc. Hiệu kỳ là bụi trúc xanh trên nền màu vàng, dưới có dòng chữ màu đỏ “Tiết trực, tâm hư”, tức thân trúc thẳng, ruột rỗng. Tự nhủ mình luôn như một quân tử, trong sạch, không mê đắm quyền lợi song thực tế, cho tới khi bị giết chết trong cuộc đảo chính, Ngô Đình Diệm thực hiện chế độ độc tài, gây rất nhiều tội ác với nhân dân…
Trước ngày xảy ra đảo chính, đó là vào ngày 27/2/1962, phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh Độc Lập. Do không thể khôi phục lại nên ngày 1/7/1962, Ngô Đình Diệm đã cho xây lại một dinh thự mới theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư gốc Huế - Ngô Viết Thụ (1926-2000) – người Việt Nam đầu tiên đoạt Giải “Khôi nguyên La Mã” (Pháp). Trong thời gian xây dựng lại, gia đình họ Ngô tạm thời chuyển sang Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh).
Công trình Dinh Độc Lập mới được xây dựng trên nền đất cũ, trong đó khu nhà chính mặt bằng rộng 4.500m2 hình chữ T, nằm ở vị trí trung tâm được xây 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và tầng hầm, diện tích sử dụng 20.000m² với 95 phòng, mỗi phòng có cách trang trí khác nhau khá ấn tượng.
Công trình đang xây dựng dở dang thì ngày 2/11/1963, Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính giết chết. Do vậy, người chủ tọa buổi lễ khánh thành dinh vào ngày 31/10/1966 là Nguyễn Văn Thiệu. Từ đó, Dinh Độc Lập là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Năm 1967, Thiệu đắc cử Tổng thống, mở ra chế độ Đệ nhị Cộng hòa, lấy Quốc huy có hình con rồng.
Lần lượt tham quan qua nhiều vị trí trong công trình kiến trúc độc đáo, tôi bước lên sân thượng và dừng lại ở phòng “tứ phương vô sự lâu”. Theo ý tưởng của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, không gian này chỉ dành riêng cho nguyên thủ quốc gia tìm đến sự an tâm, tĩnh trí để suy nghĩ trước những quyết định quan trọng, tự vấn lương tâm trước sau mỗi hành động liên quan đến vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thiệu đã biến nơi đây thành nơi tổ chức vũ hội với sức chứa hơn 100 khách...
Điểm nổi bật của công trình chính là sự hiến kế của điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế với bức rèm hoa đá có hình dáng những đốt trúc thanh tao bao quanh tầng 2, bên cạnh các chiết tự chữ Hán đều có ý nghĩa mang đến sự tốt lành, hưng thịnh như: Cát, Khẩu, Trung, Tam, Chủ, Hưng.
Chiếc máy bay chiến đấu F5E do hãng Northrop (Hoa Kỳ) sản xuất, có thiết bị tiếp nhiên liệu trên không – cùng loại với chiếc máy bay mà Anh hùng Nguyễn Thành Trung đã dùng để ném bom Dinh Độc Lập. |
Thực tế diễn ra lại rất khác với mong muốn của chủ nhân mới tòa nhà. Trước khi Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức ở phòng khánh tiết tối 21/4/1975, vào lúc 8h30’ sáng 8/4/1975, phi công “Việt cộng” hoạt động bí mật trong không lực VNCH Nguyễn Thành Trung dùng phi cơ F5E xuất phát từ Biên Hòa, bay về ném bom. Hai quả bom MK82 rơi sát sân đỗ máy bay trực thăng ở tầng 3 đã gây chấn động và hoang mang cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Đây cũng là nguyên nhân khiến Tổng thống Hoa Kỳ bấy giờ ra lệnh di tản khẩn những người Mỹ còn sót lại tại Sài Gòn.
Và chỉ hơn 3 tuần sau đó, vào lúc 10h45’ ngày 30/4/1975, các xe tăng mang số hiệu 843, 390 của Quân giải phóng đã lần lượt húc tung cổng tiến thẳng vào dinh. 11h30’ cùng ngày, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn...Xem thêm: /829836-tahN-gnohT-hniD-ev-teib-ti-ueid-gnuhN-bd-8-gnarT/us-ioht/nv.moc.dnac