Báo cáo mới được đăng tải trên Nature Climate Change mang tới tin không lành: trong thập kỷ vừa rồi, lượng CO2 mà rừng Amazon tỏa ra nhiều hơn 20% lượng nó hấp thụ. Con số chênh lệch này cho thấy ta không thể tiếp tục dựa dẫm vào lá phổi xanh để có được một hành tinh trong lành. Trong khoảng thời gian từ 2010 tới 2019, rừng Amazon tỏa ra 16,6 tỷ tấn CO2, trong khi đó chỉ hấp thụ 13,9 tỷ tấn.
Nghiên cứu xoáy sâu vào lượng CO2 được hấp thụ và lưu trữ trong quá trình rừng sinh trưởng, so với lượng CO2 tỏa ra do cây hô hấp và cả hoạt động phá rừng.
Rừng Amazon cháy. (Ảnh NYT).
“Chúng tôi nửa tin nửa ngờ khi bắt đầu nghiên cứu, nhưng dù gì, đây là lần đầu tiên chúng tôi có được số liệu cho thấy tình cảnh ở rừng Amazon đã đổi chiều, khi rừng đã trở thành nguồn xả CO2”, đồng tác giả nghiên cứu Jean-Pierre Wigneron nói. “Chúng tôi vẫn chưa biết khi nào rừng bị phá hủy tới ngưỡng không thể phục hồi”.
Nghiên cứu chúng chỉ ra việc phá rừng, thông qua hoạt động chặt cây và đốt rừng, tăng gần 4 lần trong năm 2019 so với cùng kỳ hai năm trước. Một khoảng rừng rộng 3,9 triệu héc-ta, gấp hơn 10 lần Hà Nội, đã biến mất. Sử dụng kỹ thuật phân tích dữ liệu vệ tinh mới, nhóm các nhà nghiên cứu đa quốc gia còn phát hiện ra một điểm đáng chú ý nữa.
Việc làm suy thoái chất lượng rừng - như sinh ra phân hóa cây, chọn lọc giống để chặt lấy gỗ, lửa cháy rừng chỉ gây hư hại chứ không triệt tiêu hoàn toàn cây - còn sản sinh ra lượng khí CO2 nhiều gấp 3 lần việc thẳng tay triệt phá rừng. Rừng cây, đặc biệt là rừng Amazon vốn vẫn là cơ quan hấp thụ CO2 hiệu quả nhất mà Trái Đất có, và việc “lá phổi” xuống cấp sẽ khiến quá trình chống biến đổi khí hậu khó khăn muôn phần.
Kim
Pháp luật và bạn đọc